DANH MỤC CHÍNH
HỎI ĐÁP

0984858116
Đại Đức Thích Trí Đạt
LỊCH VẠN NIÊN
THỐNG KÊ
Số người Online: 9
Tổng truy cập: 0598220
Hình ảnh

Phật pháp

Thiền Xóa Tan Bóng Tối Vô Minh

THIỀN ĐỊNH - Đại Ấn Thiền Xóa Tan Bóng Tối Của Vô Minh. Việt Dịch: Đương Đạo. Nxb Thiện Tri Thức

NHỮNG TƯ THẾ CĂN BẢN 
CỦA THÂN VÀ TÂM

Phần chính của thực hành chia làm hai : thiền định (định, chỉ, samatha, zhi-na) và thiền quán (huệ, quán, vipasyana, lhag-thong). Thiền định là như sau.

Nói chung có nhiều phương pháp để khai triển tập trung nhất tâm (samadhi, ting-nge-dzin) nhưng nếu con biết một phương pháp căn bản thì những chướng ngại và nhiễu loạn sẽ không xảy ra và con sẽ khai triển một cách không cố gắng những kinh nghiệm và những huệ quán vào tánh giác bổn nguyên, thoát khỏi mọi lỗi lầm liên quan đến định tâm và quán chiếu.

Những chỉ dạy về tư thế thiền của Tỳ Lô Giá Na là một phương pháp nhằm khai triển tập trung nhất tâm cho hai giai đoạn phát triển và thành tựu của anuttara-yoga tantra, và một kinh nghiệm vô niệm không cố gắng của lạc và sáng tỏ. Bởi thế người mới học cần nương dựa vào điểm thiết yếu này là tư thế của thân.

Để kiểm soát năng lực đi xuống, hai chân con phải ở trong tư thế kim cương hoặc tư thế xếp chân của người bình thường. Để đem những khí-năng lực của địa đại của thân vào kinh mạch trung ương, hãy thẳng xương sống như một cây thương. Để đưa những khí-năng lực của thủy đại vào kinh mạch trung ương, hãy đặt hai tay ngang dưới rốn trong ấn đại định và hai vai thẳng. Để đưa những khí-năng lực của hỏa đại vào kinh mạch trung ương, hãy giữ cổ hơi cong như cái móc. Để đưa khí-năng lực của phong đại vào kinh mạch trung ương, mắt không mở lớn hoặc nhắm hẳn, mà nhìn vào đầu sống mũi. Lưỡi và môi để tự nhiên, thư giãn hay lưỡi đụng vào vòm họng.

Định tâm hay an định là một giai đoạn an lạc của tập trung nhất tâm thoát khỏi tư tưởng và không có năm chướng ngại hôn trầm, xáo động, mù mờ, buồn ngủ và cũ chán. Nó có thể đạt được bằng nhiều phương pháp : chú tâm vào một vật hoặc không vật nào cả, hay một tư tưởng như quán Bốn Tâm Vô Lượng, trong trường hợp này thoát khỏi tư tưởng là thoát khỏi tư tưởng lan man. Không có tư tưởng không phải là tâm trống rỗng vô ký, và nó cần thiết cho mọi thực hành, đặc biệt là những thực hành tantra tối thượng, anuttarayoga.

Theo những giáo lý tantra, tâm và khí mà tâm cỡi lên là không thể tách lìa. Nếu khí-năng lực (prana, lung) được dẫn vào kinh để lưu chuyển đúng đường, tâm thức sẽ được trụ ; nhưng khi khí chạy lung tung thì tâm thức cũng thế. Những khí này chạy qua những kinh mạch (nadi, tza), những kinh mạch chính là kinh trung ương, kinh mạch phải và trái, chạy song song và hơi phía trước xương sống. Bình thường những khí chỉ đi qua kinh mạch phải và trái, và theo cách đó khí hoạt động như phương tiện chuyên chở cho những vọng tưởng. Tuy nhiên, những vọng tưởng ấy dừng lại khi khí chuyên chở chúng không hoạt động theo cách đó nữa mà được dẫn vào kinh mạch trung ương. Bởi thế nếu thân bạn thẳng và trong tư thế đúng, những khí cũng sẽ ở trong vị trí đúng. Bấy giờ những khí có thể chảy tự do nhờ vậy và khi được dẫn vào kinh một cách đúng đắn, tâm thức bạn sẽ hoàn toàn tập chú. Vì lý do này tư thế Tỳ Lô Giá Na là căn bản.

Có nhiều cách xếp loại các khí. Theo “Sáu Yoga của Naropa”, có năm loại khí chánh : (1) đi xuống, kiểm soát sự thải bỏ và giữ lại những chất cặn bã qua hai cửa dưới. (2) đi lên, kiểm soát sự nuốt, nói và những hoạt động khác của cổ họng. (3) duy trì đời sống. (4) làm quân bình, để tiêu hóa và tách chất cặn bã. (5) khắp thân, động lực cho mọi hoạt động. Một cách xếp loại khác là các khí phối hợp với đất, nước, lửa, gió và không. Trong bản văn này, cả hai hệ thống được trộn lẫn và những điểm của tư thế Tỳ Lô Giá Na nhằm dẫn vào kinh các khí đó.

Tư thế kim cương là hai chân khoanh tréo, bàn chân nằm trên đùi chân kia. Ấn đại định của tay là để hai tay trong lòng, bàn tay ngửa lên, tay trái dưới tay phải, ngón tay cái chạm nhau. Có một cái gối để dưới mông thì rất ích lợi.

Với thân con trong tư thế căn bản, nhiều lợi lạc của một trạng thái vô niệm... sẽ hiện ra một khi con đã tự nhiên làm sạch mình khỏi khuynh hướng chạy theo những dòng tư tưởng. Nhưng thậm chí chỉ giữ thân trong tư thế căn bản này, thân và tâm con sẽ trở thành an lạc và bình lặng. Bởi thế giữ mình chớ quá chặt hay căng thẳng, trước hết tống xuất hết không khí ra và rồi giữ hơi thở tự nhiên không cưỡng ép.

Khi thở không khí ra, hãy cảm nhận bạn đang thở ra những lầm lỗi và phóng dật. Trước hết hãy thực hành tỉnh giác một số hơi thở và khi bạn đã bình an, không cần chú tâm vào hơi thở nữa.

Con hãy làm mới lại trí nhớ một ít về những sơ bộ và rồi không lưu tâm đến những việc làm trong quá khứ hay nghĩ đến tương lai hay cái gì đang làm bây giờ. Hãy để tâm an, không nhận lấy hay chối bỏ, trong một trạng thái tự nhiên, thông suốt của bây giờ và ở đây (cái hiện tiền), trong đó con không tạo tác ra những dạng hiểu biết thông thường về khoảnh khắc hiện tại. Do làm như vậy, tâm con trở nên mềm dẻo và con có thể khai triển tập trung nhất tâm. Vì những tư thế căn bản này của thân và tâm là nền tảng cho tham thiền, con cần nỗ lực thực hành chúng. Đây là điểm thứ nhất cho thiền định.

CHÚ TÂM TRÊN 
MỘT ĐỐI TƯỢNG THẤY

Nếu con không thể để yên tâm thức con trong trạng thái này, con nên chú tâm bằng cách nhìn vào một đối tượng bên ngoài như một cây gậy, một viên sỏi, một tượng Phật, một ngọn lửa đèn sáp, bầu trời..., cái nào thích hợp với con. Chớ nghĩ về những vật đó theo màu sắc, hình dạng, mà đặt sự chú ý nhất tâm của con không lang thang chỉ trên bản thân đối tượng, không quá chặt hay quá lỏng. Hãy cắt đứt hoàn toàn mọi tư tưởng khác.

Nếu tâm bạn quá căng, bạn sẽ kinh nghiệm sự lo âu và bực mình, nếu quá lỏng thì hôn trầm, mù mờ và buồn ngủ. Như những dây đàn, tâm thức phải điều hợp không có những méo mó.

Tiến trình an định tâm trên một đối-tượng-thấy giống như thấy một hòn sỏi dưới đáy một ly nước đục. Không bận tâm về màu sắc hay hình dạng của hòn sỏi, bạn sẽ thấy nó rõ ràng khi bùn lắng xuống. Cũng thế, khi những tư tưởng của bạn lắng xuống bạn sẽ có một cái thấy rõ ràng đối tượng của bạn. Bởi thế hãy nhìn vào đối tượng như một trẻ nhỏ mà không nói năng hay bình luận gì.

Nếu bạn có thể chú tâm không có những tư tưởng ý niệm, vậy là tốt. Nhưng dù chúng có khởi lên, chớ có chạy theo chúng. Chỉ để chúng đi qua và chúng sẽ biến mất. Nếu bạn cho phép một tư tưởng phát triển thành một dòng tư tưởng, nó sẽ là một chướng ngại cho sự thiền định của bạn. Bạn phải thấu hiểu rằng những tư tưởng là trò chơi của tâm, như những sóng gợn lăn tăn trên mặt nước hay ánh sáng trên lá cây. Chúng tự nhiên tan biến.

Con cũng có thể chú tâm vào một chữ OM màu trắng, chữ AH màu đỏ và chữ HUM màu xanh được viết ra hay quán tưởng trước mặt, chúng là bản tánh của thân, ngữ, tâm của tất cả chư Phật hay một điểm màu trắng, đỏ, xanh, tùy cái nào thích hợp với con. Tóm lại, con cần nhắm vào và cố định tâm thức con nhất tâm vào hình thể thị giác nào hợp với tâm thức và cho nó sự thích thú để nắm giữ. Nếu con cố gắng an định tâm thức con vào một cái gì không thoải mái hay cái gì trí năng con không thể nắm bắt, bấy giờ khi con đưa tâm thức đến đối tượng, nó không nắm giữ được. Không thích thú với đối tượng ấy, nó sẽ chú tâm vào cái khác ngoài chủ đề.

Con cần cắt đứt hoàn toàn mọi ý niệm như “ta đang thiền” hay “ta không thiền” hay những mong cầu an định tâm con hay những lo lắng con không thể an định nó. Hãy thiền định với chánh niệm kiểm soát không cho tâm con trụ vào một cái gì ngoài chủ đề dù chỉ một khoảnh khắc. Hãy làm tốt điều đó và làm những thời thiền ngắn nhưng thường xuyên. Điều này quan trọng để huấn luyện cho tâm thức con an định nhất tâm với sự tương tục của sáng tỏ, minh bạch và thành khẩn, để cho nó không mất sự tương tục của trạng thái này vì mệt, chán.

Đầu tiên quan trọng là có những thời thiền ngắn nhưng thường xuyên. Nếu bạn thấy thiền định an lạc và êm ả, bạn nên làm lâu hơn. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu chán hay mệt khi thiền định, đó có lẽ vì thời thiền quá dài. Nếu bạn mệt, thiền định trở thành một thử thách không thích thú và bạn sẽ không muốn tiếp tục. Bởi thế hãy tự lượng và nghỉ một lát khi bạn còn tươi khỏe và còn muốn tiếp tục. Theo cách đó bạn sẽ vui vẻ lại tiếp tục thiền định. Hãy giả thiết bạn phải đi bộ hai mươi cây số. Nếu bạn đi chầm chậm và thường nghỉ, bạn sẽ không làm mệt mình và sẽ đến đích. Thiền định cũng như thế.

Nếu một đối tượng thấy nào thích hợp với con như là căn cứ hay tiêu điểm cho thiền định, con nên chọn cái đó. Nếu con muốn dùng lần lượt những đối tượng ấy thay phiên nhau cũng được. Nhưng nếu con đã chọn một cái và thấy như vậy là đủ, thì chớ cảm thấy phải thay đổi lần lượt như người tập học bản chữ cái. Tóm lại, tâm thức con nắm giữ một hình sắc thấy được nào thích hợp là điểm thứ hai cho thiền định.

NHỮNG ĐỐI TƯỢNG 
GIÁC QUAN KHÁC

Khi con đã nắm giữ yên được một đối tượng thấy như vậy, bấy giờ theo thứ tự lần lượt con lấy một âm thanh làm đối tượng cho nhĩ thức của con, một mùi hương cho tỷ thức, một mùi vị cho thiệt thức, một cảm giác xúc chạm cho thân thức... Để làm được như vậy, khi nào những âm thanh, mùi hương v.v... đi đến, con cần hướng tâm thức con vào chỉ một âm thanh trổi bật và nắm giữ nó với cái móc của tỉnh giác không để tâm thức chạy lạc chỗ khác. Ngoài việc để cho tâm con an định nơi mức độ của bản thân nó, con không có bất kỳ phán đoán nào về phẩm tính, số lượng,... của đối tượng ấy.

Như thế bất cứ ở trong hoàn cảnh nào, hãy dùng nó để giúp cho khai triển định tâm. Nếu nơi bạn thiền định ồn ào hoặc có người nghe ra-đi-ô, hãy chú tâm vào cảm giác nghe thuần túy mà không có phê phán, phản ứng hay tìm hiểu âm thanh. Với xúc chạm, bạn có thể chú tâm vào cảm giác khi áo quần tiếp xúc với da. Không cần ăn trong khi thiền định để chú tâm vào vị. Bạn có thể làm điều đó khi dùng bữa. Chỉ không dính mắc và theo những giáo huấn như trước.

Khi tâm con đã trụ vào đối tượng, con nên ngưng thời thiền khi con còn đầy đủ sáng tỏ và rồi nghỉ một lát. Làm như vậy con sẽ không chán, mệt. Giữa những thời thiền chớ bỏ quên chánh niệm. Với cái nhìn, con có thể nhắm thẳng vào cái gì trước mũi con. Về thân và ngữ, dù đi hay ngồi, nói năng, hãy làm những việc đó không mạnh quá cũng không nhiều quá. Với tâm thức, hãy cố gắng cắt đứt dòng tư tưởng ý niệm và sự lải nhải của ý. Do những giai đoạn như vậy, con sẽ lập được thói quen nhất tâm. Đây là điểm thứ ba của thiền định.

Thế nên, nếu bạn giảm bớt những hoạt động, tâm thức bạn sẽ tự nhiên lặng xuống. Nếu bạn thường trực bận rộn, thật khó khăn để chú tâm bởi vì bạn sẽ lo toan nhiều thứ trong một lúc và dễ trở nên phân tán và mệt mỏi.

TRỪ BỎ HÔN TRẦM 
VÀ XAO ĐỘNG

Hơn nữa, để trừ bỏ những lỗi lầm như hôn trầm và xao động, con cần quán tưởng giữa hai lông mày một điểm bằng cỡ hạt đậu, màu trắng tỏa sáng rực rỡ, và hướng tâm thức con đến đó. Đôi khi quán tưởng một điểm bằng hạt đậu màu đen giữa hai đầu gối trên chỗ ngồi. Nếu hôn trầm con cần hướng sự chú ý đến điểm trắng và nhìn vào không gian. Con phải ngồi một nơi thông thoáng và có thể vẩy nước lên mặt. Áo quần nhẹ và ăn uống thức dễ tiêu. Chớ ngồi gần lửa hay giữa nắng. Nếu con bị xao động, tán loạn, hãy quán tưởng điểm đen, giữ gìn cho ấm, tập thể dục và ăn đồ bổ dưỡng, lâu tiêu.

Hôn trầm và xao động là những chướng ngại lớn nhất cho định tâm. Với hôn trầm, tâm thức bạn không có sự sáng tỏ hay có thì vẫn ở trong tình trạng mơ hồ. Để linh hoạt trở lại, hãy quán tưởng một điểm trắng giữa hai lông mày và như thế hướng tâm thức lên trên. Công hiệu của màu trắng để loại bỏ hôn trầm có thể được minh họa bằng cách để một tấm vải trắng trước mắt bạn. Màu trắng làm cho tâm thức bạn được đánh thức hơn và tâm thức bạn trở nên sáng sủa hơn. Lại nữa, nếu bạn ngồi ngoài nắng hay nơi nóng bức bạn sẽ buồn ngủ và hôn trầm không tránh được. Bởi thế hãy ngồi nơi mát mẻ và thông thoáng, bạn sẽ tươi tỉnh hơn. Sự ăn uống cũng cực kỳ quan trọng. Đồ ăn nhẹ làm cho tâm thức nhẹ nhàng trong sáng tương tự.

Với xao động thì ngược lại bạn bị quá kích động và tâm không thể ở yên nơi bạn muốn nó ở. Dù nó trụ vào một đối tượng, một phần của nó bắt đầu đi lạc. Quán tưởng một điểm đen nơi chỗ ngồi làm cho tâm bạn hướng xuống và màu tối tự nhiên làm tâm thức bạn được điều phục hơn. Nếu bạn quá bồn chồn, tập thể dục sẽ làm cho bạn mệt và tâm thức bạn bớt lang thang. Nhiều xao động là do những khí quá nhẹ và năng động. Bởi thế một chế độ ăn uống bổ, lâu tiêu sẽ làm trầm những khí này và làm bạn bớt lông bông.

Như thế để có một thiền định cân bằng việc cần là phải chú trọng đến thân thể của bạn. Tâm thức bạn cỡi trên những khí qua những kinh mạch của thân vi tế. Để cho chúng lưu thông đúng đắn cần dựa vào điều kiện của thân vật chất thô. Bởi thế một thân thể và tâm thức lành mạnh tương thuộc lẫn nhau.

Nếu con không có hôn trầm hay xao động, hãy hướng mắt và tâm đến một điểm màu xanh hay một vật màu xanh ở trước mặt con khoảng một cánh tay. Con chỉ phóng tâm thức đến điểm đó. Nếu đối tượng được quán tưởng rõ ràng, vậy là tốt. Nhưng dù nó không rõ ràng, con chỉ cần nghĩ rằng có một đối tượng như vậy và rồi lấy nó làm tiêu điểm cho sự chú ý của con. Rồi không phân tích gì hay tra vấn gì với đối tượng, hãy để tâm thức con đạt đến cấp độ của chính nó và an trụ tự nhiên nơi đối tượng mà không lang thang, xao lãng.

Bầu trời mùa thu màu xanh, trong sáng, không mây là một màu trung lập không kích thích hoặc làm trầm đắm tâm thức. Có sự an định và sáng tỏ với điểm này thì lợi lạc, nhưng nếu chỉ có an định cũng đủ. Với sự tập trung đầy đủ, sự sáng tỏ sẽ tự động đến.

Khi con còn đầy đủ sáng tỏ, hãy ngừng thời thiền và tiếp tục thiền định sau đó. Nói cách khác, hãy có những thời thiền ngắn và thường xuyên. Giữ tâm con (như vậy) là điểm thứ tư cho thiền định.

CHÚ TÂM KHÔNG ĐỐI TƯỢNG

Để hướng tâm thức vào cái không có căn cứ hay đối tượng, con nhìn thẳng, trống trơn vào không gian trước mặt với hai mắt mở và không có đối tượng nào cả.

Hư không như bản tánh của tâm thức, là thường hằng, không có điều kiện cũng không lệ thuộc nhân duyên. Bởi thế nhìn thẳng vào không gian trước mặt bạn là một phương pháp tiếp cận cho tham thiền về bản thân tâm thức.

Tham thiền này cũng tương tự như những thực hành được làm trong anuttarayoga tantra liên quan đến tiến trình chết. Bình thường thức nương dựa vào mọi nguyên tố của thân như là căn cứ của nó. Trong tiến trình chết, những nguyên tố như là căn cứ tuần tự mất đi và thức càng lúc càng ít nương dựa vào chúng. Điều này được diễn tả một cách hình tượng là các nguyên tố tan biến cái này vào cái kia. Trước hết căn cứ “đất” hay nguyên tố đặc mất đi và thức không còn dựa vào nó. Rồi sự việc xảy ra cũng như vậy với các nguyên tố nước, lửa, gió. Cuối cùng, cấp độ tinh tế nhất của thức, chỉ nương dựa vào không gian, được để một mình, không tách lìa với cấp độ tinh tế nhất của năng lực duy trì đời sống. Đây là cái sẽ kinh nghiệm Tịnh Quang của cái chết và đi vào trung ấm rồi vào một tái sanh khác. Như thế tham thiền về tâm thức mà không có đối tượng tương tự với những tham thiền tantra lấy Pháp thân như một con đường cho cái chết, trong đó bạn bắt chước trong tham thiền tiến trình tan rã của cái chết và cuối cùng chú tâm vào tâm như hư không trong kinh nghiệm Pháp thân Tịnh Quang.

Tham thiền không có đối tượng không nên lầm lẫn với tâm vô ký trống trơn trong đó bạn hoàn toàn hôn trầm như sự bất tỉnh hay say đờ đẫn. Nó cực kỳ cảnh giác, tỉnh thức và trong sáng, nhưng như trong những tham thiền Tịnh Quang của cái chết, không có đối tượng hay tư tưởng nào.

Không để cho tâm thức con nghĩ về cái gì cả, chớ cho phép một lang thang nhỏ nhặt nào của tâm thức. Chớ hướng tâm thức đến những tư tưởng trạng thái này có những phẩm tính gì, hay quá khứ, tương lai. Đặt tỉnh giác như một tay gián điệp rất siêng năng kiểm soát xem con có đi lạc không, và rồi buông xả. Nói cách khác, hãy tự đặt mình trong một trạng thái thanh tĩnh, không tạo tác giả tạo của cái tại đây và bây giờ (cái hiện tiền).

Chớ lang thang dù chỉ một khoảnh khắc. Hãy chăm chú như khi xâu chỉ lỗ kim. Chớ để tâm thức con ồn náo, mà như một đại dương không sóng. Chớ có ý cố gắng hoàn thành một cái gì, mà chỉ trụ tâm thức con như một con ó vút thẳng lên. Hãy hoàn toàn thoát bỏ mọi mong cầu và lo toan.

Khi con không có lang thang trong tư tưởng, thì những tư tưởng sẽ không đến. Nhưng khi lang thang xảy ra, bấy giờ bởi vì những tư tưởng tiếp nối cái này qua cái khác, hãy cố gắng nhận biết chúng là gì ngay khi vừa khởi lên. Nói cách khác, hãy nhìn thẳng vào chúng và rồi trụ tâm như trước. Bất kể tư tưởng khởi lên như vậy, chỉ nhận biết chúng là cái gì. Hãy đặt sự chú ý của con ngay vào chúng mà không nghĩ gì đại loại “Ta phải chặn chúng” hay “Ta đã chặn được chúng”, hay cảm thấy vui sướng hoặc bất hạnh. Chỉ nhìn vào chúng với con mắt của trí huệ rõ biết. Hãy lấy chính tư tưởng như là căn cứ đối tượng cho tâm thức con nắm giữ và rồi định vào đó. Hãy để cho tâm con trong một trạng thái không căng thẳng quá cũng không buông lỏng quá. Đây là điểm thứ năm cho thiền định.

Khi bạn bắt đầu tham thiền, có vẻ tư tưởng bạn tăng thêm. Thật ra không phải thế, mà chỉ vì bạn ý thức hơn về nhiều “giao thông” trong tâm thức bạn.

Tâm thức và những tư tưởng của nó không đồng nhau cũng không khác nhau. Nếu chúng là một, sẽ không sao làm cho bình lặng hoặc loại bỏ tư tưởng. Nếu chúng là khác và tách biệt nhau, bạn có thể có những tư tưởng mà không cần có tâm. Những tư tưởng là trò chơi nhất thời của tâm. Tâm thì sáng tỏ, thanh tịnh không có đặc tính gì, như tấm gương. Những tư tưởng giống như những hình ảnh trong tấm gương đó ; chúng không tách lìa gương, cũng không là một với gương.

Những tư tưởng là kết quả của mê lầm về bản tánh của thực tại, và có nhiều loại khác nhau. Những tư tưởng thô thì dễ nhận ra. Chẳng hạn nếu bạn đang thiền định về một cái tách, và tư tưởng khởi lên bạn muốn uống trà, rồi bạn gọi ai đem tới cho bạn, đó là tư tưởng thô. Một tư tưởng tế có thể nghĩ, “Đây là một cái tách” hay “Nó làm bằng sứ trắng”, hay nhận biết tiếng ra-đi-ô khi đang chú tâm vào cái tách. Nhưng bất cứ loại tư tưởng nào khởi lên, hãy nhận ra nó là cái gì. Nhận biết đó chỉ là một tư tưởng, trò chơi của tâm thức như một hình ảnh trong gương, không bám níu và để chúng đi qua. Hãy để những tư tưởng liên tục tan biến như một cuộc diễn hành đủ mọi tính cách đi qua một khán đài mà không hề dừng lại.

Nếu bạn nghĩ rằng một tư tưởng nhỏ không đáng nghĩa gì, đây là một thái độ dở. Đám cháy rừng có từ một ngọn lửa nhỏ. Cũng như từ tư tưởng nhỏ “Đây là một tách trà”, nếu bạn bám vào nó, bạn sẽ sớm có mặt trong bếp để nấu trà và xa hẳn thiền định của bạn. Chỉ nhìn vào tư tưởng, không theo nó, và nó sẽ tự nhiên tan biến. Không có cái gì khác có thể làm.

CHÚ TÂM VÀO HƠI THỞ 
VÀ BA GIAI ĐOẠN AN ĐỊNH TÂM THỨC

Một phương pháp để giữ tâm là con có thể hướng tâm vào hơi thở như là căn cứ hay đối tượng cho nó. Hãy giữ hơi thở với sự thực hành hơi thở-cái bình và định tâm chuyên nhất vào nó không có tư tưởng lang thang. Nếu con không thể giữ hơi thở theo cách thở cái bình, con có thể dùng đối tượng khác như đếm hơi thở. Hãy đếm sự vào, ra và giữ lại của hơi thở. Đếm từ một cho đến hai mươi mốt vòng và dần dần tăng lên một trăm. Hướng tâm đến lỗ mũi và giữ sự chú ý trong việc đếm hơi thở, không để cho tâm lang thang nơi nào khác.

Nhưng nếu con không thể giữ hơi thở khi thân con đầy không khí và rồi buông thả nó (trong kỹ thuật giữ cái bình), trước hết con tống tất cả không khí ra trong ba hơi thở và rồi thở vào bao nhiêu không khí mà con có thể. Hãy đem nó xuống dưới lỗ rốn và khi con không thể giữ nó nữa, hãy buông thả nó và thở ra. Hãy làm điều ấy nhiều lần và không để cho tâm thức lang thang ở đâu khác.

Chú tâm vào hơi thở là cách hiệu quả khác để ổn định tâm thức. Như nói ở trên, tâm thức cỡi trên khí hay hơi thở. Bởi thế nếu có hơi thở nhiễu loạn, sẽ có nhiều tư tưởng lộn xộn. Nếu hơi thở bạn được thư giãn, yên lặng hay nắm giữ, tâm thức bạn cũng vậy.

Có vài loại thở. Thở đều đặn hay bình thường là loại bạn không có bệnh hay bị kích động. Loại trung là khi thở vào bạn giữ nhẹ hơi thở lại. Hơi thở cái bình là khi bạn thở vào, hãy thắt những cơ vòng và giữ hơi thở lại.

Loại thở sau chia làm mấy loại tùy theo nơi mà hơi thở được giữ. Hơi thở cái bình loại lớn được giữ giữa những trung tâm cổ họng và rốn, loại trung giữa tim và rốn và loại nhỏ ở rốn. Hơi thở cái bình bên trong được giữ ở bên trong, trong khi loại bên ngoài được giữ khi thở ra hết. Nói chung, hơi thở cái bình có bốn đặc tính (1) giữ hơi thở, (2) giãn bụng, (3) khả năng để cho hơi thở thoát ra hoặc ở những lỗ chân lông hay đi vào kinh mạch trung ương, và (4) khả năng để cho hơi thở được đẩy ra ngoài nơi đỉnh đầu qua kinh mạch trung ương khi đã được giữ rất lâu.

Hơi thở cái bình là một thực hành rất cao cấp và tiềm ẩn nguy hiểm. Guru của bạn thường dạy cho bạn chỉ sau khi bạn đã hoàn thành những sơ bộ đặc biệt gồm 100.000 lạy và v.v... Nếu bạn can thiệp sai vào hơi thở, bạn có thể làm cho những hệ thống năng lực mất quân bình, gây ra bứt rứt, hao tổn năng lực và loạn tưởng.

Nếu hôn trầm hay xao động xảy ra, hãy nỗ lực dùng những phương pháp để loại trừ chúng trong từng giai đoạn. Nếu con không thể an định tâm thức con vào những loại đối tượng đã kể ra, bấy giờ hãy dùng loại nào con thích hợp. Cá tính mỗi người không như nhau. Một số người nghe giáo lý hai, ba lần bèn có thể khai triển định tâm. Một số không thể làm như vậy dù đã thiền định nhiều. Nhưng nếu con nuôi dưỡng nó và không giải đãi, con chắc chắn khai triển được nó. Nhưng cũng cần có một Guru kinh nghiệm để giải tỏa những vấn đề của con, dẫn dắt con đến thành công...

Nuôi dưỡng thiền định của con theo cách này, con đi qua ba giai đoạn an định tâm thức. Thứ nhất giống như một thác dốc trên núi. Tư tưởng con thô và nhiều. Thứ hai tư tưởng thô chìm lặng (như mặt trời). Dù thỉnh thoảng vài tư tưởng thình lình đến, con nhận biết chúng thật sự là gì và ngay khi đó chúng lặng mất. Dòng thiền định của con trôi chảy nhẹ nhàng và vững chắc như một dòng sông uy lực. Cuối cùng tất cả mọi tư tưởng của con, cả thô và tế, đều chìm lặng (như mặt trời) và con an định trong một trạng thái vô niệm.

Giai đoạn thứ ba này cũng được ví như dòng sông đã hòa vào đại dương hay đứa con hội hợp với mẹ sau một xa cách lâu dài. Những tư tưởng của bạn là dòng sông hay đứa con và tâm là đại dương hay mẹ. Tất cả mọi loạn động và lo nghĩ đều được an định, mọi mờ tối đã chìm mất và bạn ở trong một trạng thái toàn hảo, nguyên sơ. Một diễn tả chi tiết hơn về chín giai đoạn định tâm có trong những tác phẩm của Asanga và Kamalasila. Trong đó có sự bàn luận về tám khả năng của tâm thức để loại bỏ năm chướng ngại của sự tập trung, cũng như những giải thích bốn loại chú tâm và sáu năng lực của tâm thức dùng để tiến bộ qua chín giai đoạn. Dù một phác họa như vậy có thể áp dụng ở đây, tác phẩm này không gồm nhiều chi tiết như vậy.

Bởi vì có thể an định tâm thức vào trong một trạng thái vô niệm của an lạc và sáng tỏ trong đó tâm con định tĩnh, tỉnh thức sống động, nguyên sơ và thanh tịnh, con cần tinh tấn kiên trì cho đến khi đạt được một sự an định như vậy. Dù sau khi con đã đạt đến một trạng thái như vậy, con phải thực hành để sự tương tục của nó không gián đoạn. Đây là điểm thứ sáu cho thiền định.

LOẠI BỎ SIẾT CHẶT
VÀ BUÔNG LỎNG

Nếu con chưa đạt đến giai đoạn thứ ba này của định tâm, con phải kiên trì tinh tấn hơn nữa. Con cần làm ba kỹ thuật siết chặt tâm thức, thư giãn nó và rồi thiền định khi xa lìa cả hai cái trước.

Để siết chặt, con ngồi trong tư thế căn bản, nhìn theo cách thích hợp và kiểm soát sự tỉnh giác. Nói cách khác, hãy siết chặt sự thiền định của con với kỷ luật. Chớ để tâm thức lang thang dù chỉ khoảnh khắc. Hãy như đi qua một cây cầu chỉ một tấm ván. Hãy thu tâm thức chặt lại và làm nó sống động đến độ ngân vang như một cái chuông, nhưng không nên nghĩ, “Đây là đối tượng ta cần thiền định.” Chớ để tâm thức lang thang dù chỉ một khoảnh khắc và tu tập nhiều thời ngắn và thường xuyên.

Về thư giãn, hãy tập những cử động của thân và rồi ngồi nhìn theo cách thích hợp.

Nếu bạn bị căng thẳng, bứt rứt hay quá kích động, lễ lạy và đi nhiễu được đề nghị ở đây. Đây là một cách lợi lạc để kìm lại và sử dụng năng lực quá độ của bạn. Sau đó khi bạn đã mệt và ngồi thiền trở lại, tâm thức cũng như thân thể bạn sẽ thư giãn và bạn sẽ ít bị nhiễu loạn.

Chớ hướng tâm thức đến một vật gì cả, hơn nữa để cho tâm thức con tự thư giãn và buông lỏng đến trạng thái tự nhiên của nó, không tạo tác giả tạo, không tự ý thức, không chăm sóc lo toan. Hãy để nó thanh tĩnh và thư giãn, nó sẽ trở về với mức độ quân bình của chính nó. Không cố gắng hoàn thành cái gì. Bấy giờ hãy an trụ và tỉnh giác trong khoảnh khắc hiện tiền không lang thang chút nào khỏi trạng thái này.

Ngoài cái đó ra, không có gì để thiền định cả. Chỉ đặt tâm thức con vào trạng thái tự nhiên của nó và nếu những thời thiền của con ngắn, thì hãy kéo dài chúng thêm một ít. Hãy an trụ trong một trạng thái rạng rỡ của tâm, và nếu nó tan biến, hãy nghỉ ngơi một lát. Nhưng dù giữa những thời thiền định, con vẫn giữ chánh niệm tỉnh giác.

Khi thiền định ngoài lúc siết chặt hay buông lỏng này, sẽ có những thời gian không có sự lang thang của tâm thức, những tư tưởng không khởi lên. Nhưng khi tâm thức con lang thang hay nhiều tư tưởng khởi lên do những hoàn cảnh nhất thời, nếu con cố gắng thoát khỏi chúng, con không thể thoát. Lúc ấy chỉ nhìn thẳng vào chúng và nghĩ, “Chúng mày muốn đi đâu thì cứ đi !” và như thế con sẽ cắt đứt dòng hiện đến của chúng. Bây giờ nếu một tư tưởng nữa khởi lên, một cái thứ hai khởi lên – hãy nhận biết thật sự chúng là gì. Chớ cố gắng thoát khỏi chúng hay đoạn trừ chúng, và cũng chớ theo chúng. Chớ hạnh phúc nếu tâm thức con an định hay bất hạnh nếu nó rong ruổi. Chớ lo cho sự thiền định của con có suôn sẻ hay không hoặc có những hy vọng và mong cầu nó tốt đẹp. Không có mong cầu hay lo lắng nào, tâm thức con hãy tỉnh giác với chính bản thân tư tưởng như là căn cứ chú ý của nó.

Con sẽ không bao giờ có thể đạt đến một trạng thái vô niệm bằng cách ngăn chặn những tư tưởng ý niệm. Hãy lấy chính những tư tưởng ấy như là đối tượng của con và chú tâm thẳng vào chúng. Những tư tưởng ý niệm tự chúng tan biến. Khi chúng tan biến, một trạng thái vô niệm đương nhiên hiển lộ. Bởi thế hãy thực hành như thế. Đây là điểm thứ bảy cho thiền định.

TRẠNG THÁI ĐỊNH TÂM THỰC SỰ 
VÀ BA ÂN ĐIỂN

Tiếp theo là cách khai triển trạng thái định tâm thật sự và nhận ra bản tánh của nó. Theo định nghĩa, định tâm là một trạng thái trong đó tâm thức con hoàn toàn vắng lặng mọi lang thang của tư tưởng, dù là tư tưởng hay ý niệm. Nó là sự an định của tâm thức vào trong sự tập trung nhất niệm về bản tánh vô niệm của sự vật, thoát khỏi mọi hôn trầm, xao động, mù mờ. Trước kia, nó được đạt đến bởi sự cố gắng dụng công, nhưng bây giờ nó không dựa vào cố gắng nào nữa. Nó đến một cách dễ dàng và an lạc, bao la, lưu thông sống động. Dù khi con ra khỏi thiền định, tâm con cũng không biến chất chút nào. Bất kể tâm đi đâu, tâm cũng trở lại và trụ trong trạng thái đích thực này.

 Như một con bồ câu thoát khỏi một chiếc tàu ở giữa biển không thể làm gì khác hơn là trở lại với chiếc tàu của nó, tâm thức bạn, bất kể nhiều hoạt động như thế nào, chỉ có thể trở lại với trạng thái an định của nó một khi bạn đã đạt đến định tâm.

Khi đi, đứng, nằm, ngồi hay làm gì, tri giác của con luôn luôn thong dong, tâm con yên ổn, thư giãn, thoải mái, tỉnh thức, phản chiếu rõ ràng mọi cái xuất hiện nhưng bình thản với chúng. Bởi vì những tri giác của con không bám dính vào những đối tượng của chúng, chúng không nắm bắt cái gì và như thế tâm con không lung tung trong phóng dật.

Mọi thời tâm bạn vững chắc như Núi Tu Di và sáng tỏ như một tấm gương phản chiếu mọi sự vật. Bạn không nên bị kích thích hay nhìn tò mò mọi chỗ. Nếu bạn chú tâm quá tỷ mỷ vào những chi tiết, tâm thức bạn sẽ quay vòng và chìm ngập bởi những tư tưởng. Hãy tự hàng phục và để cho mọi tư tưởng và hình tướng đi qua tâm thức mà không bám nắm chúng. Nếu bạn đang đi ngoài phố đông đúc mà có một cô vũ nữ múa bên lề đường, hãy để hình ảnh của cô đi qua sự tỉnh giác của bạn mà không để sự chú tâm của bạn bám dính vào đó. Luôn luôn có thể duy trì được sự bình thản là một dấu hiệu của định tâm.

Có ba ân điển con nhận được trong trạng thái này là an lạc, sáng tỏ và vô niệm. Dựa vào định theo một mức độ lớn hơn, nhiều thứ có thể xảy ra như những ân điển thiên nhãn, thiên nhĩ, tri giác siêu giác quan và những năng lực siêu vật lý. Có mười dấu hiệu của định tâm và v.v... Những cái ấy xảy ra khi định tâm của con không khuyết điểm, và những thứ ấy sẽ khai triển trên dòng tâm thức của con. Những cái ấy là nền tảng làm sanh ra mọi lợi lạc như những lợi lạc phát sanh từ quán chiếu.

Đến điểm này, dù con có bệnh tật, khổ đau, mộng tốt hay xấu, những kinh nghiệm siêu giác quan hay siêu vật lý, những ân điển như lạc, sáng tỏ hay vô niệm trần trụi – bất kể điều gì xảy ra, tốt hay xấu – chớ bám luyến hay bị hấp dẫn ám ảnh. Vì chắc chắn chúng hoàn toàn vô tự tánh, thế nên chớ buông thả theo những tư tưởng hạnh phúc hay thất vọng về chúng. Nếu con bị ám ảnh bởi những ân điển ấy, chúng sẽ chỉ là gốc rễ cho sanh tử, làm con lòng vòng trong ba cõi luân hồi. Chúng không thể giải thoát con khỏi vòng sanh tử. Ngay cả những người không phải Phật giáo cũng có những thành tựu như vậy (như những ân điển này), nhưng họ không có lợi lạc gì với chúng.

Những kinh nghiệm siêu giác quan và siêu vật lý là một sản phẩm phụ của tập trung nhất tâm và định. Ngay cả những người không phải Phật giáo cũng sở đắc chúng nhờ những kỹ thuật thiền định khác nhau. Tự chúng, chúng không có kết quả gì trừ phi được dùng như một phương tiện làm lợi lạc cho những người khác.

Những kinh nghiệm ân điển là lạc, sáng tỏ và vô niệm trần trụi là cánh đồng từ đó giống lúa quán chiếu vào tánh Không của chúng sanh khởi. Bị ám ảnh bởi cái nào mà không thấu hiểu tánh Không của nó, sẽ dẫn đến một tái sanh làm một chúng sanh chư thiên trong sanh tử. Sanh làm vị trời trong cõi Dục do bám luyến vào ân điển lạc, trong cõi Sắc do sáng tỏ và trong cõi Vô Sắc do vô niệm.

Tóm lại, nếu con bị ám ảnh và bám luyến vào bất kỳ kinh nghiệm và nội quán nào con có, con sẽ hủy hoại chúng. Hãy không dính mắc vào chúng và an trụ vững chắc trong một trạng thái vô tâm không ám ảnh, không bám luyến. Với kiên trì nhiệt thành, hãy xa lìa giải đãi làm hạn hẹp. Nếu con thiền định trong khi tăng cường sự nhẫn chịu những khó khăn, con sẽ thu hoạch những lợi lạc vượt ngoài sức tưởng tượng.

Hãy như Jetsun Milarepa đã thiền định trong những hang núi cao trong mười hai năm chỉ ăn cây tầm ma. Chớ bỏ dở nếu thực phẩm của bạn hết hay giường bạn quá cứng. Chớ bào chữa bằng cách gì cho sự không thực hành. Với kiên trì bạn sẽ đạt Giác Ngộ.

Bởi thế con phải học tập việc này với một vị thầy. Cả Thầy và trò phải không có bất cứ lỗi lầm nào về những ân điển thật sự, sự hiểu rõ (những giáo huấn), những huệ quán của thiền định và cách khai triển định tâm, hãy chắc chắn nhận ra và biết rõ chúng một cách xác định.

Cái chính là không có bất kỳ sự hấp dẫn ám ảnh nào đối với những đối tượng giác quan và có lòng ngưỡng mộ không giả tạo và kính trọng thương yêu đối với Guru của con. Hãy trau dồi Bồ đề tâm với sáu loại chúng sanh. Hãy có chánh niệm tỉnh giác kiểm điểm để không có sự lang thang của tâm thức. Chớ nghĩ đến những chương trình dài hạn như con không còn có thì giờ. Hãy hoàn thành cái gì con đã bắt đầu. Chớ để mình rơi vào sự lắc lư của những màu mè văn vẻ hay của tám cảm giác thế gian.

Nguồn gốc của mọi chứng đắc là sùng mộ Guru và niềm tin không xao động vào những giáo huấn của ngài. Điều ấy phối hợp với động lực cao nhất của Bồ đề tâm, sẽ đẩy bạn trở thành một vị Phật.

Vì cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, chớ nghĩ đến những chương trình dài hạn tưởng tượng như “Năm tới tôi sẽ mua một căn nhà và cưới vợ. Phòng này sẽ dành cho trẻ nhỏ. Tôi sẽ có v.v...” Hãy sống trong khoảnh khắc hiện tại với mục tiêu Giác Ngộ. Bất cứ cái gì bạn khởi sự làm, như một nhập thất bảy ngày, hãy tiến hành nó cho đến lúc hoàn thành. Nếu bỏ dở nửa chừng, việc ấy tạo thành thói quen thất bại.

Chớ để bạn rơi vào ảnh hưởng của những ưa thích màu mè như nịnh hót hay giữ thể diện. Hãy giống như Jetsun Milarepa không có người hầu hạ hay đạo sư để lo nghĩ. Hãy phá tan sự ràng buộc của bạn vào tám cảm giác thế gian, vui thích khi nhận vật cúng dường, tình thương, sự chú tâm v.v..., không thích khi không có những điều ấy, phấn chấn khi mọi việc tốt đẹp, chán nản khi không như thế, dễ chịu khi nghe những điều thích thú, khó chịu khi không, vui sướng khi được ca ngợi và đau buồn khi bị nhục mạ.

Tất cả những điều ấy rất quan trọng. Nếu con thực hành không khuyết điểm như vậy, con sẽ khai triển những kinh nghiệm và huệ quán mà không phải cố gắng. Bởi thế hãy chuyên tâm làm theo như vậy. Đây là điểm thứ tám cho thiền định.


TIN NỔI BẬT
VIDEO NỔI BẬT
Hình ảnh nổi bật