DANH MỤC CHÍNH
HỎI ĐÁP

0984858116
Đại Đức Thích Trí Đạt
LỊCH VẠN NIÊN
THỐNG KÊ
Số người Online: 12
Tổng truy cập: 0582307
Hình ảnh

Tin tức

những ngôi cổ tự tại Hưng Yên

             Kiến trúc nghệ thuật những ngôi cổ tự tại Hưng Yên

 
 

Chuyến đi  hành hương về các ngôi cổ tự thuộc tỉnh Hưng Yên đã để lại nhiều dấu ấn và kỷ niệm đối với các thành viên trong đoàn.  Các thành viên đã được chiên ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa cổ tại vùng đồng bằng Bắc bộ với nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán đậm nét truyền thống, cổ xưa….

 

 
 
 
 
 
Sau những ngày làm việc bận rộn của mùa Phật đản, chúng tôi đã được đắm mình trong không gian yên tĩnh và đặc biệt được thưởng thức những kiệt tác nghệ thuật của những ngôi chùa cổ đẹp nhất tỉnh Hưng Yên đó chính là chùa Chuông và chùa Nôm.
 
Khác xa không khí ồn ã của Hà Thành, bước vào không gian thoáng mát và yên tĩnh với nhiều cảnh đẹp của những ngôi cổ tự đã khiến  tâm ta trở nên thanh tịnh và nhẹ nhàng. Đúng là chốn thiền môn dễ làm người ta quên đi những vất vả thăng trầm của cuộc sống thay vào đó ta được trở về với chính mình trong không gian tĩnh lặng.
 Tam quan chùa Chuông
Chùa Chuông nằm trong quần thể di tích đô thị cổ Phố Hiến một thời nổi danh "thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Tại "Hưng Yên tỉnh nhất thống chí" của Trịnh Như Tấu có ghi: "Chùa Chuông - Phố Hiến đẹp nhất danh lam" có nghĩa: chỉ Chùa Chuông ở Phố Hiến là đẹp nhất.
 Đường vào chùa Chuông
Tương truyền: Vào một năm đại hồng thuỷ, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè đã trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được, chỉ có bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. 
 
Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy, chùa còn có tên là Kim Chung tự (tức chùa Chuông vàng). Chùa tọa lạc trên mảnh đất rộng lớn thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). 
 Cầu đá lối vào chùa
Chùa Chuông được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XV), qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Năm 1992, chùa Chuông đã được Bộ VHTT xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
 Không gian chùa Chuông
Quần thể kiến trúc chùa Chuông được thiết kế rất cân đối và khéo léo có kết cấu kiểu "Nội công ngoại quốc", bao gồm các hạng mục: Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà mẫu và 2 dãy hành lang. Mặt tiền chùa quay hướng Nam, đó là hướng của "Bát Nhã" và "Trí Tuệ". Chùa được bố trí cân xứng trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến Nhà tổ.
 
Cổng Tam quan có kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh, bắc ngang qua ao được xây dựng năm 1702. Tiếp đến là con đường độc đạo được lát đá xanh dẫn thẳng đến nhà Tiền đường, Thiên hương, Thượng điện. 
 Đường vào chùa
Ở hai đầu phía Đông và phía Tây nối Nhà Tiền đường và Nhà Mẫu là hai dãy hành lang, được bài trí đối xứng các lớp tượng khác nhau. Đầu tiên là động Thập điện Diêm Vương tả cảnh Diêm vương trừng phạt kẻ ác; hai động Phật bằng đất mô tả quá trình tu hành đắc đạo của đức Phật.
 Động Thập điện Diêm Vương 
 Tượng 18 vị La Hán
Trong chùa có hệ thống tượng Phật phong phú, nổi bật là 8 tượng Kim Cương, 18 vị La Hán, 4 tượng Bồ Tát. Tượng được tạo tác rất công phu, mỗi pho tượng có tư thế và biểu cảm khác nhau. 
 Gác chuông tại chùa
 Tháp tại chùa Chuông
Trong chùa có nhiều di vật như: hoành phi, câu đối, đồ thờ, bia đá, trong đó có bia "Kim Chung tự thạch bi ký" dựng năm Vĩnh Thịnh (1711) mô tả cảnh chùa và ghi công đức tu tạo. Phía cuối là lầu chuông, lầu khánh, nhà tổ….
 Mái ngói chùa Chuông
Chùa Nôm là địa điểm thứ hai mà chúng tôi được chiêm bái và lễ Phật. Trực tiếp ngắm nhìn phong cảnh tại đây ai nấy cũng cảm thấy mãn nguyện, bởi cầu trúc thiết kế ngôi  chùa rất hài hòa và thoáng mát. Nằm cách Hà Nội khoảng 30km về hướng Đông, làng Nôm - ngôi làng cổ thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên. 
 Tam quan chùa Nôm
Hằng năm, vào các dịp Đại lễ Phật đản, xuân về, Chùa Nôm thường xuyên  tổ chức các chương trình như Phật Đản; Vu Lan…thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và khách thập phương về tham dự. Chùa Nôm đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá cho quần thể di tích này.
 Không gian yên tĩnh tại chùa Nôm
Chùa nằm trong một quần thể di tích lịch sử gắn liền với quá trình thành lập làng Nôm. Đó là đình Tam Giang thờ vị tướng thời Hai Bà Trưng. Cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã mấy trăm năm nay soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức, nâng bước chân thiện nam tín nữ đến chùa lễ Phật.
 Kiến trúc độc đáo điêu khắc tại chùa
 Các pho tượng cổ được tạc  ở nhiều trạng thái
Ngôi chùa cổ nằm ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ lớn phía sau hồ nước. Hiện nay, chùa Nôm còn lưu giữ được hơn 100 pho tượng Phật bằng đất tuyệt đẹp có tuổi hàng trăm năm. Các pho tượng được tạc ở nhiều trạng thái, tư thế và chủ đề khác nhau. Trải qua nhiều biến cố thời gian các pho tượng vẫn giữ được độ bền chắc và nguyên vẹn
 
Dẫn vào lầu Quan Âm là một cây cầu đá hình cánh cung mô phỏng cây cầu Nôm cổ, phía trước cầu là hai tháp Cửu phẩm liên hoa bằng đồng tạo thành một cụm kiến trúc thống nhất và ấn tượng.
 Vườn tháp chùa Nôm
Đến với chùa Nôm, du khách còn được chiêm ngưỡng khu vườn mộ tháp bằng đá ong nằm bên cạnh ngôi chùa cổ. Đó là những tháp đá tuyệt đẹp và nguyên vẹn. Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, những tòa tháp đá vẫn đứng vững như thách thức với thời gian.
 
Ngôi chùa cổ với không gian yên tĩnh và thoáng mát. Nằm trong quần thể di tích làng Nôm bao gồm cổng làng Nôm, cầu Nôm, chợ Nôm, đình Tam Giang… chùa Nôm là điểm tham quan  lý tưởng cho các du khách thập phương được về chiêm bái và lễ Phật.
 Lầu Quan Âm
 Vẻ đẹp bình yên tại chùa Nôm
 
 
 
 
 Lư hương tại sân chùa
 Tam quan chùa trong nắng vàng rực rỡ
Chuyến đi  hành hương về các ngôi cổ tự thuộc tỉnh Hưng Yên đã để lại nhiều dấu ấn và kỷ niệm đối với các thành viên trong đoàn.  Các thành viên đã được chiên ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa cổ tại vùng đồng bằng Bắc bộ với nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và phong tục tập quán đậm nét truyền thống, cổ xưa….
 

TIN NỔI BẬT
VIDEO NỔI BẬT
Hình ảnh nổi bật