DANH MỤC CHÍNH
HỎI ĐÁP

0984858116
Đại Đức Thích Trí Đạt
LỊCH VẠN NIÊN
THỐNG KÊ
Số người Online: 5
Tổng truy cập: 0641552
Hình ảnh

Tin tức

Bồ Tát Phù Hộ Làng Chài

Những làng chài huyền bí: Bồ Tát phù hộ...
 
Xem hình
 

Giữa biển trời, nếu gặp sự cố, ngư dân không biết kêu ai, chỉ biết giao phó mạng sống của mình cho đấng thiêng liêng....Có những vị Bồ tát được ngư dân thờ cúng như đấng bảo hộ cho nghề nghiệp, cho mạng sống của mình giữa mênh mông biển cả.

>> Những làng chài huyền bí: Bùa yểm giữ làng...

Ghe thuyền đầy cá nhờ Bồ Tát phù hộ

Ở xã miền biển Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định), ngoài tượng Phật Lồi ở chùa Linh Sơn như đã đề cập trong bài trước, còn có một pho tượng khác được dân gian gọi là tượng Phật Bà Lồi ở thôn Hải Nam, hiện đang được thờ cúng trong chùa Hương Mai.

Vị Phật này được dân chài ở xã Nhơn Hải truyền tụng chính là đấng thiêng liêng luôn theo sát người dân hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, để độ trì trong việc làm ăn, phù hộ mỗi khi họ gặp tai nạn.

Tương truyền, khoảng 100 năm trước, một ngư dân ở thôn Hải Nam đang đánh lưới tại vùng biển Hòn Khô thuộc thôn Hải Đông (xã Nhơn Hải) thì tấm lưới bỗng nặng trịch, như đang bị vướng vật gì đó không kéo lên được.

12-30-37_1
Tượng Bồ tát Quan Thế Âm (ở giữa) tại chùa Hương Mai được dân Nhơn Hải tác tạo lại từ pho tượng đá vớt từ ngoài biển

Ngư dân này bắt tay làm loa gọi bạn chài đang đánh bắt gần đó tập trung lại trợ giúp. Sau nhiều lượt hò dô thì kéo được tấm lưới lên khỏi mặt biển, trong tấm lưới có khối đá mang hình dáng một con người đang ngồi xếp bằng, chỉ có đầu và thân, phần mặt và thân không rõ nét. Những ngư dân kia liền gọi thêm người làng ra thỉnh khối đá về làng, lập chùa Hương Mai để thờ.

“Dân làng bàn nhau thuê thợ đắp thêm xi măng cho tượng, tạo dáng hoàn chỉnh theo mẫu hình của Phật A - Di- Đà, nhưng xi măng đắp lên cứ trôi tuột hết. Lại chuyển sang đắp tượng theo mẫu hình Phật Thích Ca, xi măng lại tuột, không thể thực hiện ý nguyện.

Cuối cùng, chuyển sang đắp tượng theo dáng của Bồ tát Quán Thế Âm thì bức tượng mới được đắp thành”, ông Võ Văn Duẩn (61 tuổi) ở thôn Hải Nam, nói.

Về chùa Hương Mai, chúng tôi được Đại đức Thích Quảng Thức, nhà sư trụ trì, cho biết thêm: “Sau khi dân làng thờ cúng tượng Bồ tát tại chùa Hương Mai, bỗng dưng dân làng chài Nhơn Hải làm nghề liên tiếp bội thu.

Tiếng lành lập tức lan truyền khắp nơi, đến cả ngư dân ở những vùng biển xa cũng kính ngưỡng. Một hôm, ngư dân ở hòn đảo cũng thuộc TP. Quy Nhơn rủ nhau tổ chức trộm tượng Bồ tát ở Nhơn Hải, mang về thờ tại làng mình để được ơn phước.

Từ đó, làng chài ở hòn đảo kia làm biển trúng mùa liên tục, còn làng chài Nhơn Hải thì từ đang ăn nên làm ra bỗng dưng bị thất bát kéo dài.

Sau khi biết nguyên nhân do tượng Bồ tát của làng mình đã bị đánh cắp, dân Nhơn Hải kiện lên quan phủ. Quan phủ buộc dân đảo kia phải trả tượng, thế là dân chài ở xã Nhơn Hải lại làm ăn khấm khá”.

Tượng Phật 2 lần bị đánh cắp không thành

Người dân làm nghề chài lưới ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn, Bình Định), từ nhỏ đến lớn, không ai là không biết câu chuyện xuất xứ của pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm đang được thờ cúng tại chùa Phước Sa, nằm trên địa bàn thôn Lý Chánh. Lão ngư Võ Thùy (89 tuổi) ở thôn Lý Chánh trịnh trọng kể: Tượng Bồ tát nói trên được ông Võ Bích, người trong làng, phát hiện vào năm 1919.


Cụ Võ Thùy kể chuyện về tượng Bồ tát Quan Thế Âm chùa Phước Sa

Năm đó, làng Xương Lý (nay thuộc xã Nhơn Lý) mất mùa biển, gia đình nào cũng lâm cảnh đói khổ. Gạo không có ăn đã đành, dân biển mà cũng chẳng có cá để ăn. Một đêm tháng Chạp, ông Bích đi bắt còng ở triền dốc Cát Trắng (nay là Xóm Mới, thôn Lý Hòa), bỗng thấy hào quang lấp lánh dưới ánh trăng.

Ông Bích vừa run, vừa chầm chậm bước lại, và phát hiện ánh hào quang được tỏa ra từ một vật mang dáng dấp đầu người.

Ông Bích hoảng hốt quay lưng chạy ù về nhà. Về đến nhà, ông Bích bỗng dưng bị đau bụng dữ dội, kêu la vang làng, vang xóm.

Nghe la, dân làng xúm về nhà ông Bích rất đông. Sau khi nghe ông Bích kể lại chuyện lạ trên bờ biển, người làng tò mò rủ nhau vác rựa, vác cuốc đến nơi xảy ra sự việc để tận mắt chứng kiến. Ông Bích nhịn đau, ngồi dậy dẫn đường.

Vừa bước chân đi thì bỗng dưng ông Bích thấy mình không còn đau bụng nữa. Đến nơi, mọi người thấy phần đầu Bồ tát Quán Thế Âm lồi hẳn lên khỏi mặt cát. Dân làng tiếp tục đào bới xung quanh thì phát hiện thêm 2 tượng Di lặc bằng sành, trong đó có một tượng đã bị vỡ do va phải lưỡi cuốc của người đào.

Người làng liền thỉnh những pho tượng nói trên về thờ trong một ngôi miếu cổ. Năm sau, dân làng Xương Lý che một cái am bằng tranh trên Núi Cấm để thờ tượng Bồ tát. Từ đó, dân vạn chài Xương Lý đi chuyến biển nào trúng chuyến biển đó, tôm cá đầy ghe.

“Tượng Bồ tát và tượng Chuẩn Đề ở chùa Phước Sa có thể là tượng của người Chămpa để lại, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và lịch sử nên cần được nghiên cứu kỹ hơn”, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã từng nói như vậy trước khi qua đời.

Sự linh thiêng của tượng Bồ tát ở làng Xương Lý đồn vang khắp nơi. Thế là bọn trộm cắp tìm đến. Một đêm tháng 4/1921, tượng Phật bị lấy trộm nhưng dân làng không ai biết. Sáng hôm sau, trong lúc đang lợp lại mái đình làng Xương Lý giữa chừng thì hết lạt buộc, dân làng í ới rủ nhau đi chặt tre để chẻ lạt.

Đang lúc chặt tre thì bất ngờ cái rựa trong tay ông Hương kiểm tuột khỏi tay, bay vèo vào một lùm cây. Ông Hương kiểm đi xuống tìm, thì phát hiện có một cái bao nằm trong lùm cây, mở ra xem thì thấy tượng Bồ tát của làng.

Đến lúc đó người làng mới biết tượng Phật bị trộm, nhưng sự linh thiêng đã không cho bọn trộm mang tượng ra khỏi làng.

Sau lần đó, để phòng bọn trộm, dân làng rước tượng Bồ tát về thờ tại Chùa Thánh nằm ở mặt biển Vũng Nồm để có người trông coi. Năm 1922, làng Xương Lý dựng chùa Phước Sa sau lưng Chùa Thánh để thờ Bồ tát. Không từ bỏ mưu đồ phải trộm cho được pho tượng quý, đến tháng 9/1978, bọn trộm lại lẻn vào chùa Phước Sa, lấy đi tượng Bồ tát Quan Thế Âm lần nữa. Nghe tin mất tượng, ai cũng lo sợ điềm xấu, dân làng e sẽ gặp những điều không may.

Thế nhưng, một lần nữa pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm lại cho thấy sự linh thiêng.

“Vài ngày sau, chùa Thiên Long nằm trên địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định) phát hiện 1 pho tượng Bồ tát nằm trong một bụi trúc gần chùa. Lần theo tin đồn làng Xương Lý ở xã Nhơn Hải vừa bị mất trộm tượng, các sư ở chùa Thiên Long báo tin cho dân làng Xương Lý thỉnh tượng về.


Tượng Bồ tát Quan Thế Âm ở chùa Phước Sa 2 lần bị đánh cắp không thành

Sau đó bọn trộm bị bắt quan bắt, gồm một người trong làng và hai người ở nơi khác. Bọn chúng khai rằng, trong lúc chuyển pho tượng đi đã gặp rất nhiều chuyện kỳ lạ. Sợ quá, dù rất ham của nhưng cuối cùng chúng đành phải giấu pho tượng gần chùa Thiên Long”, cụ Võ Thùy kể.

Ở chùa Phước Sa còn có tượng Chuẩn Đề lồi lên từ lòng đất, gần nơi tượng Bồ tát Quan Thế Âm lồi lên như đã nói trên. Tượng Chuẩn Đề được một người dân tìm thấy vào năm 1945. Tượng bằng đồng, cao khoảng 0,2m, có 8 tay. Cánh tay nào cũng động, mỗi tay một tư thế.

Theo TS. Đinh Bá Hòa, GĐ Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, đây là tượng Avalokitesvara, một vị Bồ tát của phái đại thừa, có niên đại thế kỷ 9 - 10.

Thưở sinh thời, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, quê quán ở xã Nhơn Lý từng kể: Xa xưa, khu vực Vũng Nồm, nơi tọa lạc của chùa Phước Sa bây giờ, có một ngôi chùa cổ do người Chămpa xây dựng. Ngôi chùa cổ này rất linh thiêng.

Thuở ấy, tất cả các tàu bè qua lại đầm Nha Phiên để vào Cửa Thử, nay thuộc xã Cát Tiến (Phù Cát, Bình Định), một bến cảng có hoạt động giao thương sầm uất từ thời Tây Sơn trở về trước, đều phải ghé lại chùa này dâng hương, cầu cúng. (Hết)


 

TIN NỔI BẬT
VIDEO NỔI BẬT
Hình ảnh nổi bật