DANH MỤC CHÍNH
HỎI ĐÁP

0984858116
Đại Đức Thích Trí Đạt
LỊCH VẠN NIÊN
THỐNG KÊ
Số người Online: 2
Tổng truy cập: 0389828
Hình ảnh

Tin tức

Thạt Luống -Tháp Của Lào

Thạt Luổng - Ngôi tháp lớn của nước Lào

Truyền thuyết của người Lào kể lại rằng, vào năm 236 Phật lịch (thế kỷ thứ III Tr.C.N), năm nhà sư người Lào tên là Phạ Mạ hả Lắt Tanathểla, Phạ Mạhả Chumlạlắttạnathể la, Pham Mạhả Xuvăn nạpaxảthạthểla, Phạ Mạhả Chunlaxuvăn nạpaxảthạthểlạ và Phạ MạhaXẳngkhạvi xảthểlạ sau khi học xong ở ấn Độ trở về quê hương. Họ đem về Lào chiếc xương đầu gối của Đức Phật. Năm nhà sư tới mường Viêng Chăn và thuyết phục châu mường là Chămthabuli Pạ Xitthi xắc cho dựng Thạt Luổng để cất giữ xá lỵ Phật. Châu mường Viêng Chăn vui sướng nhận lời và cho dựng lên ngôi tháp Đại Phật Tích (Thạt Luổng).

 

Vào năm 1563, sau khi giành được một loạt chiến thắng quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Miến Điện ở Hatsỏi, Pakhoui Mường Xén, Vua Xẹt thảthilạt, vì những lý do chiến lược đã dời đô từ Luổng Phạ bang về Viêng Chăn. Tại đây ông cho xây dựng thành quách, lâu đài, cung điện, Vào năm 1566, ông cho dựng Thạt Luổng trên một ngôi chùa cũ, cách Viêng Chăn chừng khoảng hai cây số. Năm 1911, trong khi nghiên cứu Thạt Luổng, nhà khoa học người Pháp Henri Parmentier (Henri Pácmăngchiê) đã phát hiện ra khối cong chính của ngôi tháp đã trùm lên và che lấp một ngôi tháp cũ.

Thạt Luổng là kiến trúc trung tâm của chùa Thạt Luổng và là một trong những tháp Phật lớn nhất ở Lào (chân rộng 90m x 90m và cao 45m). Trung tâm của tháp là một khối lớn uy nghi, trang nhà vươn lên cao như một mũi tên. Đế của khối trung tâm là một đài sen hình vuông đang nở tung những cánh vàng ra bốn phía. Trên đài sen là bệ cao có hình vuông và có cấu trúc khá phức tạp. Chân bệ là những nấc vuông càng lên cao càng nhỏ lại để rồi phình ra ở trên thành một gờ nổi lớn hơi ngả ra ngoài làm làm chỗ đứng vững chãi cho hình quả bầu thon thả phía trên.

Quả bầu cũng được tạo bởi bốn khối cong lớn thắt dần lại ở miệng. Miệng quả bầu đỡ một hình tháp nhỏ có đỉnh cao nhọn. Toàn bộ khối trung tâm được tô màu vàng rực rỡ. Truyền thuyết nói rằng xưa kia cả khối đỉnh đó được lợp bằng một ngàn cân vàng lá.

Cả khối đỉnh màu vàng được dựng lên trên một khối gần như bán cầu, cao to, vững chãi. Khối này cũng có bình đồ vuông và có bốn mặt cong nhỏ dần và thu lại ở đỉnh. Khối hình cong đó được trát ngoài phẳng lỳ, trơn nhẵn và được quét vôi trắng xóa.

Quanh chân khối cong lớn ấy là 30 ngọn thạt nhỏ màu vàng có hình dáng gần giống như đỉnh lớn ở Trung tâm. Những thạt nhỏ màu vàng này được dựng lên trên các bệ hình chóp bốn cạnh cụt màu trắng. Tuy kích thước các thạt nhỏ đều gần bằng nhau, nhưng bốn thạt ở bốn góc có bệ cao hơn nên nhô cao hơn một chút so với thạt nhỏ bên cạnh. ở mặt chính của các thạt nhỏ có ghi những câu bala mật (paramita) bằng tiếng Thăm Pali.

Còn các tháp nhỏ, khối gần như hình bán cầu và đỉnh nhọn màu vàng tạo thành khối trung tâm của Thạt Luổng. Khối này thật đồ sộ và có bình đồ gần vuông (mặt phía Nam dài 54,26m, mặt phía Đông dài 52m, mặt phía Bắc dài 54,62m, mặt phía Tây dài 52,58m).

Chạy quanh các tháp nhỏ là lối hồi lang vuông lộ thiên rộng, có lan can cao ở phía ngoài. Trên dãy lan can là 228 hình lá nhọn. ở giữa mỗi lá đó, có một khám nhỏ đặt tượng phật đứng, nhỏ bằng đất nung. ở chính giữa mỗi mặt lan can đều có trổ ra một ô là cửa. Cửa hình cánh cung và được trang trí ở trên bằng hình tháp nhọn. Trong bốn cửa, cửa phía Đông là cửa giả, còn ba cửa kia có tam cấp dẫn xuống khu hồi lang bên dưới. ở bốn góc lan can có trang trí bốn tháp nhọn cao.

Hồi lang tiếp theo ở phía dưới rộng hơn và có hai bậc. Lan can bao quanh cũng được trang trí ở trên bằng các hình lá nhọn và tháp ở góc. Trên bốn trục chính có bốn ngôi đền nhỏ lợp bằng bộ mái nhọn hai lớp làm cổng thông giữa hồi lang với khu sân rộng bên dưới. Mỗi đền cổng đều có dãy tam cấp trang trí bằng hình quái vật macara hay hình rắn naga.

Khu sân bên dưới rộng và tạo thành dãy hồi lang vuông lớn lộ thiên bên dưới. Quanh sân có tường cao bao bọc và có bốn cổng ở bốn trục. Lối tường sân là giới hạn ngoài cùng ngăn cách ngôi tháp lớn với không gian xung quanh bên ngoài.

Xét về mặt cấu trúc, Thạt Luổng là một hình Kim Tự Tháp mà ba dãy hồi lang tạo thành ba bậc. Còn xét về mặt hình tượng thì Thạt Luổng là hình ảnh tượng trưng cho núi vũ trụ Meru: Đỉnh trung tâm là đỉnh Thần Sơn Meru, các tháp nhỏ bao quanh là các vòng núi, tam cấp hình thủy quái Macara và rắn naga biểu tượng cho nước của đại dương... Hình ảnh Thần Sơn cũng là hình ảnh về cõi Niết bàn mà các nhà sư của Phật giáo Tiểu thừa mường tượng ra trong khi Thiên định.

Tuy bắt nguồn từ mô hình ấn Độ nhưng tháp Phật giáo của Đông Nam á thời cổ thường cụ thể hóa như một quả núi linh thiêng. Đối với các tín đồ bình thường, tháp là quả núi vàng rực rỡ phát tỏa ra những điều tốt lành và khơi gợi trong họ ý niệm hướng thiên mà Đức Phật đã dạy. Đối với các nhà sư thông làu kinh sách, tháp là núi Thần Sơn Meru mà cụ thể là Hymalaya vời vợi quanh năm tuyết phủ mà rực ánh mặt trời - nơi tu hành lý tưởng của các phật tử nhiệt thành. Đối với họ, tháp còn là hình ảnh gợi nên các năng lượng cuồng nhiệt (teja) như ngọn lửa của sự Thiên định. Khác với Đại Thừa, Phật giáo Tiểu thừa quan niệm rằng, chỉ bằng tu hành mới là chính quả, mới nhập được cõi Niết bàn.

Hình ảnh núi Thần Sơn Meru của Thạt Luổng thât uy nghi và gợi cảm. Những đỉnh vàng nhấp nhô vừa rực rỡ chói chang như nắng, vừa như hừng hực những ngọn lửa. Những ánh nắng, những ngọn lửa đó rạng rỡ trên màu trắng phau như tuyết của những khối bệ bên dưới.

Thạt Luổng còn là hình ảnh thể hiện dưới dạng núi quan niệm vè tu hành và đắc Đạo của Phật giáo Tiểu Thừa. Các nhà Tiểu Thừa cho rằng Niết bàn là sự giải thoát khỏi ba loại khổ( dukkhadukhata - khổ do những nguyên nhân tâm lý hay vật lý, samskaradukhata - khổ vì phải sống chết, viparinàmadukhata - khổ vì thay đổi từ lạc thọ thành khổ thọ) gắn liền với ba giới (kàmadhat - dục giới, rupadhatu - sắc giới và arupadhatu - vô sắc giới) để đạt tới trạng thái vô tướng (animitta) tức Niết bàn và vượt ra ngoài ba giới gọi là siêu thế giới (Lokuttara). Phật giáo Tiểu Thừa quan niệm chỉ có một Phật duy nhất và những nhà tu hành chỉ chứng quả Alahán là tột bực. Để chứng được Alahara quả, phải thực hành 10 bala mật.

Có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh Phật quả ở mỏm tháp chính và hình ảnh Alahán quả ở các tháp nhỏ có ghi các bala mật. Tất cả các tháp đó đều có hình thù gần giống nhau và đều màu vàng rực rỡ. Chỉ khác là tháp chính lớn hơn.

Bên ngoài khu trung tâm là ba bậc hồi lang vuông kế tiếp nhau từ thấp lên cao. Ba vòng hồi lang đó, cũng như nhiều tháp lớn khác ở Đông Nam á là hình ảnh của tam giới (dục, sắc và vô sắc giới). Còn khối trung tâm chính là siêu thế giới (Lokuttara).

Mô hình của Thạt Luổng hiển nhiên là mô hình thá Phật giáo có nguồn gốc ở ấn Độ.

Không chỉ cấu trúc gồm ba phần mà ngay khối thân hình bán cầu của Thạt Luổng phần nào gợi lại hình dáng tháp ThanChi (thế kỷ III Tr.C.N) của ấn Độ. Nhưng hình dáng vút cao như mũi tên của đỉnh Thạt Luổng lại phảng phất bóng dáng của tháp Thái Lan thời Aiutthaia thế kỷ XV - XVIII. Ngoài ra có một vài yếu tố của tháp Miến Điện như chân tháp được tạo bởi những vòng hồi lang liên tiếp, cách trang trí những tháp nhỏ bao quanh tháp trung tâm.

Thế nhưng, thật lạ kỳ, những yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài đó lại kết hợp ở Thạt Luổng để tạo ra một kiến trúc tháp mang bản sắc Lào. Nó không hề giống bất kỳ một kiểu tháp Phật giáo nào. Mặc dù cấu trúc chung theo kiểu hình Kim tự tháp nhiều bậc như các tháp Miến Điện, nhưng các hồi lang của Thạt Luổng rộng hơn, dàn trải ra hơn và có một chiều cao vừa phải. Thân hình bán cầu của Tháp tuy khá lớn, nhưng lại như chìm ngập trong vòng tháp nhỏ bao quanh khiến cho ta có cảm giác như nó chỉ có tác dụng làm bệ cho phần đỉnh chứ không vươn cao ngạo nghễ và bề thế như Sanchi. Hình mũi tên của đỉnh Thạt Luổng hầu như biến thành khối trung tâm của tháp chứ không chỉ là một cấu trúc trên đỉnh như các tháp Thái Lan. Hơn thế nữa, bình đồ vuông và các khối, nét mang tính chất hình học chuẩn xác đã tạo cho đỉnh của Thạt Luổng một dáng vẻ trang nhã, sinh động hiếm có.

Sự thống nhất về bố cục: việc sắp xếp đúng chỗ các tháp nhỏ; hình thể chuẩn xác, rõ ràng của các khối kiến trúc, tỷ lệ hài hòa giữa các yếu tố và đường nét, cách xử lý màu sắc tương phản cạnh nhau (màu xám của các tường hồi lang, màu trắng của thân tháp trung tâm và chân các tháp nhỏ, màu vàng rực rỡ của các đỉnh tháp) đã làm cho Thạt Luổng trở thành một trong những kiến trúc tháp đặc biệt ở Đông Nam á.

Thạt Luổng, tiếng Lào có nghĩa là tháp lớn. Thạt Luổng từ lâu đã là tháp lớn của nước Lào và là một công trình văn hóa biểu tượng cho trí tuệ, óc sáng tạo và tình đoàn kết keo sơn gắn bó của các dân tộc Lào.

Đã từ lâu, hàng năm, cứ vào tháng mười một dương lịch đúng tuần trăng tròn là hội Thạt Luổng được tổ chức. Hội Thạt Luổng thường kéo dài ba đêm. Bắt đầu hội từ lễ tắm Phật. Tiếp đó là lễ dâng cơm, cầu phúc, giảng giải Kinh Phật. Đêm cuối cùng là lễ rước nến. Vào đêm đó, ở Thạt Luổng và hầu hết các chùa trong thành phố Viêng Chăn, trai gái, già trẻ sau khi thắp nến, đặt hoa quanh Thạt Luổng, họ cầu khấn trời Phật ban cho họ hạnh phúc và cuộc sống tốt đẹp. Những đêm trăng của hội Thạt Luổng bao giờ cũng tưng bừng rực rỡ, để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm linh người Lào.

TIN NỔI BẬT
VIDEO NỔI BẬT
Hình ảnh nổi bật