Phá Mê Khai Ngộ
Tác Giả: Lê Sỹ Minh Tùng
Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma)
Khi nói về Thiền tông mà không viết về Tổ Bồ Đề Đạt Ma là một sự thiếu sót lớn. Ngài là người đã khai sáng ra Thiền tông ở Trung quốc vào khoảng đầu thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch. Chính Ngài đã đem một luồng sinh khí mới cho hệ thống tư tưởng của Trung Hoa mà ngay chính cả Phật giáo lúc bấy giờ cũng có cái nhìn mới từ phương cách tu hành cho đến ý nghĩa cao siêu của đạo Phật.
Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới tương đối khá phức tạp. Cuộc sống vật chất ràng buộc cộng thêm sự căng thẳng về tâm linh giữa xã hội và gia đình làm cho tâm tư của chúng ta bồn chồn lo lắng, khó được yên vui. Từ lúc thức dậy đến khi đi ngũ thì ý niệm đua nhau sinh khởi trong tâm thức của chúng ta. Đức Phật gọi đó là vọng tưởng, phiền não. Muốn cho tâm được yên tịnh và trí tuệ được sáng suốt thì chúng ta cũng nên quan tâm đến thiền định. Thiền ở đây không phải là ngồi kiết già và quay mặt vô tường chín năm như tổ Bồ Đề Đạt Ma đã làm khi xưa, mà điều căn bản là chúng ta phải loại bỏ bớt vọng tưởng và phiền não. Cũng như khi đi, khi đứng, khi ngồi chúng ta phải thư thả, tìm thú an nhàn thanh tịnh nơi cảnh vật chung quanh. Chúng ta thường nghe nhiều người thực tập hành thiền, tọa thiền…
Nếu chúng ta đi bộ với dáng dấp tự nhiên thanh thản, tâm tư lắng đọng, trút bỏ hết phiền não và tâm chỉ nghĩ về việc tốt hay Phật thì chúng ta đang hành thiền vậy. Thiền không nhất thiết chỉ dành cho hạng thượng căn lợi trí mà rất nhiều giới trẻ ngày nay đang thực tập môn hành thiền cũng như tọa thiền. Thiền không đòi hỏi chúng ta là những người mới bắt đầu phải ngồi kiết già nhiều giờ như những vị đại sư. Chúng ta có thể ngồi bán kiết già hay ngồi bất cứ tư thế nào miễn thoải mái là được. Nhắm mắt để tâm tư yên tịnh và toàn thân thanh thản làm cho khí huyết lưu thông điều độ còn tâm chỉ nghĩ về Phật hay những điều thiện thì chúng ta có thể thực tập môn tọa thiền được rồi.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma sanh tại miền Nam Ấn Độ và là con của vua Hương Chí. Sư phụ của Ngài là tổ Bát Nhã Đà La đã khuyên Ngài sau nầy nên sang Trung Hoa để truyền pháp. Khi đã đạt được đạo, Ngài dùng đường thủy để rời Ấn Độ và mất đến gần ba năm mới đến được Quảng Châu. Lúc bấy giờ Hoàng đế Trung quốc là Lương Võ Đế, khoãng năm 520 sau T.L, vì nghe danh nên mời Ngài đến diện kiến.
Vua Võ Đế hỏi:
- Trẫm từ khi lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép kinh, độ Tăng Ni không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì chăng?”
Tổ đáp:
- Đều không có công đức!
Tại sao? Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người, cõi trời, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng có thật! Thế nào là công đức chân thật? Trí thanh tịnh trọn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng thể do thế gian mà cầu”. Lý do mà Tổ nói như vậy là vì lúc bấy giờ Pháp tu của số đông theo đạo Phật chú trọng về hình thức và chấp tướng (có giống như thời nay không?) nên Tổ chỉ thẳng chỗ thiếu sót đó cũng như muốn nhắn nhủ là cần phải thấy tâm thì mới là công đức chân thật.
Sau câu chuyện trao đổi trên, tuy thấy nhà vua là người có lòng với đạo Phật, nhưng căn cơ còn thấp kém nên Ngài giã biệt để đến chùa Thiếu Lâm ở Trung Sơn. Ở tại chùa Thiếu Lâm nầy, Ngài đã ngồi suốt 9 năm xây mặt vào tường nên được gọi là “Bích quán Bà La Môn”. Sau đó Ngài thâu nhận được người đệ tử tên là Thần Quang (487- 593) để truyền pháp. Ngài Thần Quang sau đổi tên là Huệ Khả là vị tổ Thiền tông thứ hai tại Trung Hoa. Sau 9 năm, tổ Bồ Đề Đạt Ma trao áo cà sa và bát báu cùng bốn quyển của bộ kinh Lăng Già cho tổ Huệ Khả. Sau đó không lâu, tổ viên tịch vào năm 529 và nhục thân của Ngài được nhập tháp tại chùa Định Lâm, núi Hùng Nhĩ. Mặc dầu thiền tông đã được chính Đức Phật Thích Ca truyền cho ngài Ma Ha Ca Diếp tại hội Linh Sơn mà mãi cho đến tổ Bồ Đề Đạt Ma là tổ thứ 28 thì Thiền tông mới chính thức được truyền sang Trung quốc.
Trước đó vài trăm năm thì có ngài Cưu Ma La Thập (khoảng 400 sau T. L), vị tăng Ấn Độ, đã dịch rất nhiều kinh điển ra tiếng Trung Hoa để giúp cho việc hoằng dương Phật pháp. Nhưng việc tu hành thời bấy giờ là thường tụng các kinh điển Đại thừa cũng như áp dụng đời sống tăng đoàn theo khuôn khổ của Ấn Độ. Mãi cho đến khi tổ Bồ Đề đem Thiền tông đến Trung Quốc thì chính ngài đã gieo hạt giống mới nầy vào trong xã hội mà có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi thuyết Khổng Mạnh. Hạt giống nầy thực sự đã nảy mầm và trở thành cây tươi tốt trong mấy ngàn năm qua. Thiền tông đã mang lại những ảnh hưởng lớn lao, sâu rộng cho xã hội Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam thì công lao của tổ Bồ Đề Đạt Ma thật là vĩ đại.
Đường lối tu hành của Thiền tông thì có phần khác hẳn so với các pháp tu khác trong đạo Phật. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã thâu gọn về pháp tu của Thiền tông trong câu:
“Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”
Nghĩa là:”Chẳng lập văn tự, Truyền ngoài giáo lý, Chỉ thẳng tâm người, Thấy tánh thành Phật”. Tại sao? Bởi vì giáo lý căn bản của Phật pháp là không có pháp nào hết cho nên cái pháp “không có pháp nào hết” mới chính là Phật pháp. Do đó khi tu tới chỗ thành tựu là chỉ có pháp “không có pháp nào hết”, vậy thì không có văn tự nào có thể diễn tả được pháp đó. Thế thì pháp đó cũng phải nằm ngoài giáo lý vì giáo lý cũng là văn tự. Trong kinh Duy Ma Cật, khi Bồ Tát Văn Thù được hỏi thế nào là nhập pháp môn Bất nhị (vào pháp môn không hai). Bồ tát Văn Thù trả lời:”Theo ý tôi, nơi tất cả vô ngôn vô thuyết, vô thị vô thức, lìa nơi vấn đáp. Ấy là nhập pháp môn bất nhị”. Có nghĩa là không có văn tự , lời nói , ngôn ngữ đó mới thật là vào pháp không hai. Còn ý nghĩa của lời nói của Tổ là không còn văn tự, ngôn ngữ nào, tức là kể cả kinh điển có thể dùng để diễn tả được.
Còn hai câu:”Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật” có nghĩa là chỉ thẳng ngay cái tâm của người tu hành. Nếu hiểu được cái tâm đó thì hiểu được bản tánh của tâm mình cùng vạn vật. Vì thế, nếu người nào thấy được “tánh” thì sẽ thành Phật mà chúng ta gọi là giác ngộ. Tổ nói rất đơn giản là: “Nếu thấy tánh tức là Phật, không thấy tánh tức là chúng sanh”. Như thế thì giữa Phật và chúng sanh, hay nói một cách khác là giữa người giác ngộ và kẻ si mê chỉ khác nhau ở chỗ có thấy “tánh” được hay không. Vậy muốn đạt được “tánh” đòi hỏi người tu phải tự lực, biết lìa bỏ mọi hình tướng mà trong đó có cả ngôn ngữ, văn tự và kinh điển. Tổ xác định:
”Dầu có giỏi nói được ngàn kinh, muôn luận mà không thấy “tánh” thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là pháp Phật”.
Ý của Tổ là nhắn nhủ những kẻ tu hành tới mức khá cao mà vẫn còn bám lấy kinh luật thì không thực hành đúng mức để giải thoát cho mình. Cũng như người dùng bè qua sông, nếu đã tới bến rồi mà vẫn ôm bè không chịu buông thì làm sao bước được lên bờ giác ngộ. Còn chúng ta là những người mới rời bờ được một chút mà đã muốn buông bè thì dĩ nhiên là chìm lẹ. Thật vậy, chúng ta tu hành chưa tới đâu mà đã buông bỏ kinh luật thì chắc chắn sẽ đi lầm đường lạc lối.
Phương pháp tu Thiền tông mà tổ đã để lại là :”Thiếu thất Lục Môn” hay:”Sáu cửa vào động Thiếu Thất”. Sáu cửa đó là: Tâm kinh tụng, Phá tướng luận, Nhị chủng nhập, An tâm pháp, Ngộ tánh luận và Huyết mạch luận.
v Tâm kinh tụng: Tổ nhắc lại từng câu trong Bát Nhã Tâm Kinh và sau mỗi câu đều có những câu giảng. Tổ chỉ rõ tướng “không” của muôn pháp để chúng ta hiểu được cái thể “Như Lai không tướng” vốn thanh tịnh. Ý Tổ muốn chúng ta phá cái chấp của “có” hoặc “không” thì tâm sẽ tự tại hết lo âu.
v Phá tướng luận: Phần nầy thì gồm những câu hỏi và trả lời. Mỗi câu hỏi đều được Tổ giải đáp rõ ràng để giúp cho người tu thiền thấu hiểu. Tổ nói: ”Nếu muốn thấy được tâm thì cần phải bỏ những chấp về tướng”. Bởi vì nếu còn chấp tướng thì chúng ta còn hướng ngoại, quên tâm nên không thể thấy được tâm.
v Nhị chủng nhập: Phần nầy chỉ cách tu hành một cách cụ thể và gồm có hai phần: lý nhập và hạnh nhập.
1)Lý nhập: là mượn “giáo” để ngộ “tông” có nghĩa là tất cả sinh linh đều chung đồng một thể tánh, chỉ vì khách trần bên ngoài và vọng tưởng bên trong che lấp nên chân tánh không hiện lộ được.
2)Hạnh nhập thì có bốn hạnh: Báo oán hạnh là khi gặp cảnh khổ nên hiểu là vì lúc trước có gây ra nghiệp dữ nên nay phải nhẫn nhục chịu. Tùy duyên hạnh là nay chúng ta được quả báo tốt cũng là do nhân lành tạo ra thủa xưa, mọi khổ vui đều do nhân duyên sanh, nhưng tâm người không vì vậy mà tăng thêm hay giảm bớt. Vô sở cầu hạnh được hiểu là muôn vật đều là không, nên không cầu mong gì mới thực là đạo hạnh. Sau cùng là xứng pháp hạnh nói về cái lý thanh tịnh của tự tánh, tức cái thể tánh tánh thanh tịnh của mình, nên vẫn tùy xứng theo pháp mà hành động nhưng không có chấp.
v An tâm pháp: Nếu hỏi: Các pháp đã là không thì lấy gì tu đạo? Trả lời: Nếu có dựa vào gì thì cần tu đạo. Nếu không có gì để dựa, tức chẳn cầntu đạo. Chẳng thấy gì hết, gọi là thấy đạo. Chẳng làm gì hết , gọi là hành đạo. Cũng như khi mê thì người đuổi theo pháp. Còn lúc tỉnh, thì pháp đuổi theo người.
v Ngộ tánh luận: Phần nầy chỉ những điểm quan trong khi tu hành là phân biệt được giữa mê và ngộ cũng như cách tu hành để đạt được ngộ. Khi mê thì lục thức, ngũ uẩn đều là pháp phiền não, sanh tử. Khi ngộ thì sáu thức, năm uẩn đều là pháp Niết bàn, không sanh tử. Khi mê thì có Phật, có pháp. Khi ngộ rồi thì không Phật, không pháp. Tại vì sao? Vì ngộ tức là Phật pháp.
v Huyết mạch luận: Phần nầy chỉ rõ nếu không thấy tánh thì việc tu hành sẽ không thể đưa đến chỗ đạt được đạo. Nếu muốn tìm Phật hảy cần thấy tánh. Tánh tức là Phật. Nếu chẳng thấy tánh thì chạy lầm đường. Giữ giới chỉ là vô ích mà thôi. Tổ nói thêm:”Nếu không thấy tánh thì dầu giỏi nói mười hai bộ kinh, vẫn là ma nói. Chúng sinh điên đảo bởi vì không biết tự tâm là Phật nên cứ hướng ngoại mà cầu cạnh do đó suốt ngày cứ lăng xăng niệm Phật, lạy Phật”.
Sau cùng nhờ công lao của tổ mà Thiền tông sau gần mấy ngàn năm vẫn còn tồn tại mạnh mẽ tại nhiều nước Á châu và ngày nay Thiền tông bắt đầu phổ biến rộng rãi trong những cộng đồng của Tây phương mà ảnh hưởng cũng như phương pháp ứng dụng rất là thực tiển và phổ cập.
Khi nói về chữ “Hảo tâm”, Phật dạy rằng: ”Hai chữ hảo tâm ít người làm được, nếu có lòng hảo tâm, làm việc lợi ích cho người chẳng cần trả ơn, làm việc giúp người chẳng cần quả báo, cúng dường cho người chẳng cần phước báo. Khó bỏ xã mà bỏ xã được, khó nhịn mà nhẫn nhịn được, khó làm mà làm được, khó cứu mà cứu được chẳng luận bà con thân thích hay kẻ lạ người dưng, lấy tâm bình đẳng cứu giúp làm đúng sự thật. Chẳng phải miệng nói hay mà lòng không làm, con người cái miệng nói hảo tâm mà lòng không làm từ thiện, còn người hiền tâm thường làm những việc tốt mà miệng chẳng khoe khoang. Giúp người mà chẳng cầu danh vọng cho mình thì mới thật là hảo tâm”.