Ngài Đạo Xước (562-645) có nhân duyên với ngài Đàm Loan dù sống cách nhau vài chục năm. Ngài đã tiếp nhận pháp môn Tịnh độ trong trường hợp đặc biệt. Ngài Đạo Xước xuất gia năm 14 tuổi, chuyên nghiên cứu về Niết bàn tông, một hôm đến chùa Huyền Trung núi Thạch Bích, đọc bia đá ghi chép sự tích ngài Đàm Loan thì lòng sinh cảm kích, Ngài quay sang tu Tịnh độ và thường giảng dạy Quán Vô Lượng Thọ kinh. Ngài nỗ lực giáo hóa dân chúng trong vùng tu Tịnh độ và là người chế ra tràng hạt để dạy cách trì danh niệm Phật. Đối với nông dân, Ngài bày cách lấy hạt đậu đếm số niệm Phật gọi là "tiểu đậu niệm Phật". Ngài trước tác An lạc tập và một số tác phẩm khác, triển khai ý nghĩa tu dễ và tu khó để kết luận rằng tu Tịnh độ là dễ. Ngài biện minh ý nghĩa tha lực của Đức Phật A Di Đà làm cho mọi người đều thích thú pháp môn này. Đệ tử của Ngài khá đông, xuất sắc gồm có Thiện Đạo, Đạo Phủ, Tăng Điền...
Ngài Thiện Đạo (613-681) nối chí Thầy mình xiển dương giáo lý Tịnh độ. Phật giáo đời Đường rất hưng thịnh, Tịnh độ tông cũng phát triển mạnh mẽ, phần lớn nhờ công lao của Thiện Đạo. Ngài là người ở Lâm Truy, khi xuất gia tìm Thầy học đạo, Ngài gặp Đạo Xước học pháp môn Tịnh độ. Sau khi Thầy mất, Ngài về Trường An trụ trì chùa Quang Minh và chùa Từ Ân, giảng dạy và truyền bá pháp môn Tịnh độ. Ngài viết 10 vạn cuốn kinh A Di Đà và vẽ 300 đồ hình tả cảnh Tịnh độ, làm cho thế giới Tịnh độ trở nên sống động và hiện thực trong tâm người tu nên họ theo rất đông. Ngài trước tác nhiều kinh sách như Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ, Vãng sinh lễ tán, Quán niệm pháp môn, Ban châu tán. Đường lối tu tập của Ngài được đời sau ca ngợi và trở thành một phương thức đặc trưng của Tịnh độ tông.
Ngài Từ Mẫn (680-748) là một hành giả Tịnh độ khá nổi tiếng vào đời Đường, Ngài noi gương các vị tiền bối, lên đường "nhập Trúc cầu pháp". Ngài ra đi năm 702 (thời Võ Tắc Thiên), đến Bắc Thiên Trúc (Ấn Độ) gặp được hóa thân của Quán Thế Âm Bồ tát trao cho pháp môn Tịnh độ. Ngài ở Ấn Độ 18 năm mới về nước, được vua Huyền Tôn tặng danh hiệu "Từ Mẫn tam tạng". Ngài trước tác Vãng sinh Tịnh độ tập để truyền bá pháp môn Tịnh độ mà Ngài đã lãnh hội trên đất Ấn, trở thành một dòng tư tưởng Tịnh độ độc lập. Tuy nhiên, hệ thống của Ngài không hưng thịnh lâu.
Như vậy, hệ thống truyền thừa pháp môn Tịnh độ từ sơ khởi cho đến đời Đường không tiếp nối đời này qua đời khác mà tùy thuận vào nhân duyên của mỗi hành giả. Bắt đầu từ đời Đường mới có sự truyền thừa, và rõ nét nhất phải chờ đến đời Tống. Sau này, các học giả phân chia đường hướng tu tập của pháp môn Tịnh độ thành 4 hệ thống: Huệ Viễn chú trọng "Quán tưởng niệm Phật", Đàm Loan chú trọng "Tín tâm niệm Phật", Thiện Đạo chú trọng "Khẩu xưng niệm Phật", Từ Mẫn thiên về "Thiện căn niệm Phật".
Đến đời Tống (960-1279), Phật giáo vẫn duy trì các hệ tư tưởng và truyền thống tu tập của các tông phái. Tịnh độ tông mặc dù vẫn duy trì truyền thống độc lập của mình, nhưng vẫn bị ảnh hưởng tác động của các hệ tư tưởng khác. Vào thời kỳ này, các tông phái nói chung đều có xu hướng dung hợp, ví dụ Thiên thai tông chủ trương kiêm tu Tịnh độ, đại biểu cho chủ trương này có ngài Tuân Thức, Từ Lễ, Trí Viên. Luật tông cũng kiêm tu Tịnh độ do ngài Nguyên Chiếu chủ trương. Thiền tông cũng kiêm tu Tịnh độ do ngài Diên Thọ chủ trương... cho nên sắc thái Tịnh độ muôn màu muôn vẻ. Những hội niệm Phật đua nhau xuất hiện, nổi bật là hội "Tịnh hạnh xã" của ngài Tĩnh Thường.
Đời Minh (1360-1661), Tịnh độ tông được phát triển do các đại sư Vân Thê, Liên Trì, Trí Húc, nhất là hàng cư sĩ tu Tịnh độ phát triển mạnh phổ cập sâu rộng trong quần chúng.
Đến đời Thanh, tư tưởng Tịnh độ dung hợp trong mọi pháp môn, tông phái. Những đại sư xiển dương Tịnh độ có ngài Tĩnh Am - Thật Hiền (1686-1734). Ngài Ấn Quang ở cuối đời Thanh là một bậc cao đức truyền bá pháp môn Tịnh độ.
Pháp môn Tịnh độ hưng khởi ở Trung Quốc, sau đó được truyền qua các nước Tây Tạng, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên, được tiếp nhận nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ.