DANH MỤC CHÍNH
HỎI ĐÁP

0984858116
Đại Đức Thích Trí Đạt
LỊCH VẠN NIÊN
THỐNG KÊ
Số người Online: 5
Tổng truy cập: 0388949
Hình ảnh

Phật pháp

Giáo nghĩa Tịnh độ tông

Tịnh độ tông lấy 3 bộ kinh và 1 bộ luận làm nền tảng cho tư tưởng của mình:

Kinh "Vô Lượng Thọ" nói về tiền thân Đức Phật A Di Đà khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát nguyện 48 lời nguyện để cứu độ chúng sanh;

Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ phép quán tưởng niệm Phật;

Kinh A Di Đà miêu tả thế giới Cực lạc đẹp đẽ trang nghiêm có Đức Phật A Di Đà đang thuyết pháp;

Và bộ luận Vãng sinh Tịnh độ của ngài Thế Thân tán thán và giảng về ý nghĩa của ba bộ kinh trên.

Theo kinh Quán Vô Lượng Thọ thì giáo lý Tịnh độ đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết cho hoàng hậu của nước Kosala là Videhi. Bà bị chính con trai bà giam lỏng và chán nản vô cùng trước cảnh thế thái nhân tình. Bà cầu mong Đức Phật cứu giúp vượt qua nỗi khốn khổ này, Đức Phật đã xuất hiện và giới thiệu các quốc độ chỉ có an lạc không có khổ đau, bà chọn cõi Phật A Di Đà. Đức Phật dạy bà phương pháp niệm danh hiệu Phật để được vãng sanh về cõi ấy. Trong kinh tạng Nguyên thủy không đề cập đến chi tiết ấy, có thể nói kinh tạng Nguyên thủy ít quan tâm đến yếu tố tha lực. Đến thời kỳ đầu của Phật giáo Phát triển, ngài Nagasena đã đưa lý thuyết Phật cứu độ vào trong lý luận của mình, trở thành tiền đề cho tư tưởng Phật lực về sau.

Cực lạc thế giới, Hán dịch từ tiếng Phạn Sukhànatì, là nơi có hạnh phúc mà không có khổ đau. Cõi giới này do Đức Phật A Di Đà giáo hóa. Có thể nói thế giới Cực lạc là một khái niệm khác của Niết bàn, vì Niết bàn (Nirvana) có nghĩa là dập tắt mọi phiền não khổ đau. Trong ý nghĩa hẹp hơn thì đó là một thế giới hiện thực ở phương Tây, khác với thế giới Ta bà đầy đau khổ này mà kinh A Di Đà gọi là "ngũ trược ác thế".

Thế giới Cực lạc có những ưu điểm tiêu biểu như không có ô uế, không có phiền não, thọ mạng lâu dài, ăn uống tự có, có các thần thông... Đất nước rất đẹp được cấu tạo bằng các chất quý báu như vàng, ngọc, lưu ly...; cây cối, ao hồ, cung điện, đường sá đều bằng các thứ báu, có ca nhạc như âm nhạc cõi trời, các loài chim hót ca như thuyết pháp... Tóm lại, đó là một thế giới lý tưởng, là môi trường tốt cho sự tu hành và đạt được hạnh phúc tối thượng.

Đức Phật A Di Đà là vị giáo chủ của thế giới Cực lạc. A Di Đà là danh từ dịch âm của Amitàbha, dịch nghĩa là Vô lượng quang, còn Amitàyus là Vô lượng thọ. Vô lượng quang chỉ cho ánh sáng vô lượng, biểu tượng cho trí tuệ viên mãn hay cho Pháp thân (Dharma-kàya). Vô lượng thọ chỉ cho đời sống vĩnh cửu, biểu tượng của đại định hay còn gọi là Giải thoát thân (Vinuktikàya). Với ý nghĩa danh hiệu như vậy, Đức Phật A Di Đà tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu và giải thoát hoàn toàn khổ đau, đó là mục đích cao cả và hấp dẫn đối với con người ở mọi thời đại.

Theo kinh Vô Lượng Thọ thì Đức Phật A Di Đà từng là một nhà vua. Sau khi ngộ đạo, Ngài phát tâm xuất gia và trở thành vị Tỳ kheo tên là Pháp Tạng (Dharmàkara). Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và phát nguyện độ hết chúng sanh trong cõi Cực lạc của mình. Ngài lập 48 lời nguyện giúp chúng sanh giải thoát.

Những nguyện quan trọng là nguyện thứ 18: "Ví con được thành Phật, mười phương chúng sanh muốn sanh về cõi nước con mà chí tâm tin mến niệm từ một niệm cho đến mười niệm, nếu không được sinh thì con không thành bậc Chánh giác. Chỉ trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp". Nguyện thứ 19: "Ví con được thành Phật, mười phương chúng sanh phát Bồ đề tâm, tu các công đức, dốc lòng phát nguyện muốn sanh về cõi nước con, đến lúc mạng chung, ví con chẳng cùng đại chúng vây quanh hiện thân trước người đó, thì con không thành bậc Chánh giác". Nguyện thứ 20: "Ví con được thành Phật, chúng sanh khắp mười phương nghe danh hiệu con, nhớ nghĩ quốc độ con, vun trồng các công đức, rồi dốc lòng hồi hướng muốn sanh về cõi nước con, nếu không được toại nguyện thì con không thành bậc Chánh giác" (Kinh Vô Lượng Thọ, Chân Thường dịch, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992).

Qua nội dung 48 lời nguyện cho thấy con đường tu tập Tịnh độ dựa vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà và nhất tâm niệm Phật là con đường tu dễ nhất, đó là lý do tại sao Tịnh độ tông được truyền bá rộng rãi nhất.

* Con đường tu tập của pháp môn Tịnh độ dựa trên ba nguyên tắc:

1- Niềm tin (Tín)

Đây là điều kiện tiên quyết, không có niềm tin hay niềm tin không đủ mạnh thì không thể tu Tịnh độ được. Sự tin tưởng là nền tảng khởi lên ước muốn và hướng tâm về thế giới Cực lạc. Như tất cả các pháp môn khác, niềm tin là mẹ của các thiện pháp và phát sinh công đức.

Niềm tin của hành giả Tịnh độ rất rõ, tin rằng Đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc là có thực, Đức Phật và Thánh chúng luôn sẵn sàng tiếp độ chúng ta, chỉ cần chuyên tâm tin tưởng và niệm Phật quyết chí vãng sanh thì chắc chắn được vãng sanh. Vì vậy, các kinh sách Tịnh độ và các hành giả Tịnh độ thường nói xác quyết chứ không có thái độ lưỡng lự, phân hai.

2- Nguyện lực hay tâm mong muốn (Nguyện)

Niềm tin ổn định sẽ đưa đến ước muốn vãng sanh gọi là ước nguyện. Mọi hoạt động tâm lý đều hướng về Tịnh độ, mọi ước muốn đều được kích thích bằng sự nhàm chán đối với đời sống uế trược và bất an này. Nếu ta còn ham muốn vật chất, tình cảm, tư tưởng của cuộc đời này thì ước muốn vãng sanh không mạnh. Nghiệp liên kết với đời sống này không giảm thì Tịnh độ không hấp dẫn ta được, nên có chán Ta bà mới ước mong mãnh liệt về Tịnh độ được. Đó cũng là lý do tại sao người lớn tuổi ưa tu Tịnh độ hơn là giới trẻ.

Biểu hiện của ước nguyện về Tịnh độ là mọi hành vi, lời nói và tâm ý đều phải thể hiện ước nguyện đó. Với lời nguyện mạnh mẽ từ bỏ uế độ vãng sanh Tịnh độ, mong có khả năng để cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện như vậy mới tương ứng với tâm nguyện của Tịnh độ, mới có cảm ứng với Phật và Thánh chúng ở Cực lạc.

3- Hành trì (Hạnh)

Khi tâm nguyện hướng về Tịnh độ thì mọi hành động, ngôn ngữ đều được tu tập liên tục, nghĩa là thực hành phương pháp niệm Phật, quán tưởng... đều đưa đến hợp nhất thân khẩu ý, không để cho các đối tượng của trần gian lôi kéo làm tâm bị tán loạn. Mọi công đức, thiện pháp ta có đều hồi hướng về Tịnh độ, thường thì hành giả thiết lập cho mình một thời khóa tu niệm, ví dụ như trong một ngày một đêm chia thành sáu thời khóa để tụng niệm, tạo cho mình tiêu chuẩn niệm bao nhiêu lần, nhờ hành trì mà hành giả có thể đắc định, thấy Phật và Thánh chúng cõi Cực lạc.

TIN NỔI BẬT
VIDEO NỔI BẬT
Hình ảnh nổi bật