Tỉ mỉ tranh cát
Mandala là hình đồ vũ trụ, nơi được coi là Đức Phật ngự trị hay Tây Phương cực lạc. Người ta có thể tạo tác hình đồ bằng nhiều chất liệu khác nhau, có thể bằng gỗ, đá quý, gạo, hoa..., nhưng nổi tiếng và phổ biến nhất là bằng cát.
Đích thân các nhà sư phải đi lấy cát ở ba nơi: đáy sông Hằng, trên đỉnh Himalaya và Bồ đề Đạo Tràng (nơi Đức Phật được giác ngộ). Sau khi lấy được cát, các nhà sư phải trì chú 108 lần rồi mới được đem về, nghiền nhỏ và trộn với bột màu.
Trước khi khởi tạo Mandala, các nhà sư (thường là 4 vị ngồi 4 hướng, luôn đối mặt với tâm của hình đồ) cũng phải đọc kinh niệm Phật 15 phút để tâm thiền. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, các nhà sư đều phải học cách tạo dựng Mandala như một cách rèn luyện tâm thức, tinh lọc tâm ý.
Vòng tròn màu xanh ở chính giữa luôn được phác họa trước, từ đó mới đến các vòng bên ngoài. Lớp bên ngoài tượng trưng cho một thế giới linh thiêng; lớp bên trong thể hiện hình thái mà trí tuệ của con người bình thường có thể được chuyển hóa thành trí tuệ đắc đạo. Mandala được tạo ra cho nghi lễ khai tâm và ngồi thiền. Các nhà sư phải tập trung tinh thần cao độ và có sự kết hợp hài hòa không kém phần công phu thậm chí trong nhiều ngày liên tục. Mandala cũng được tạo ra để tinh lọc môi trường và cư dân trên đó, mang lại năng lượng tái tạo, thúc đẩy sự hòa hợp trên thế giới.
Trong thời gian ở Việt Nam vừa qua, các nhà sư Ấn Độ xây hai hình đồ Mandala bằng cát, một tại chùa Phổ Quang, thành phố Hồ Chí Minh, một tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Trong bốn ngày tạo tác hình đồ Mandala tại chùa Phật Tích, trời mưa rả rích khiến một số người ngoài cuộc lo lắng ảnh hưởng tới chất lượng tác phẩm.
Nhưng, một nhà sư Ấn Độ, thành viên của nhóm tạo tác Mandala cho biết, thời tiết như vậy thuận lợi hơn nhiều so với mấy ngày trước họ phải xây Mandala tại TPHCM bởi nhiệt độ trong đó quá nóng và khô. Ông cũng cho biết, các nhà sư có thể sáng tạo ra hàng ngàn hình đồ với màu sắc, họa tiết khác nhau. Nhưng họa tiết chính vẫn là những vật thể có liên quan tới Đức Phật như hoa sen, mây, rồng.
Do Mandala bằng cát được khởi tạo trên tinh thần không trường cửu nên sau khi bị phá đi, cát sẽ được rắc xuống nước, mang lại sinh sôi cho các loài thủy sinh, tốt cho môi trường cũng như các loại sinh vật khác. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là dịp hiếm có được sở hữu hình đồ Mandala, do đó, sau khi được các nhà sư hoàn thành bức “Quan Thế âm Bồ tát độ trì”, nó được bọc trong lớp khung kính để có thể giữ lâu dài cho mọi người chiêm ngưỡng, cũng giống như đã làm với hình đồ Mandala tại chùa Phổ Quang.Tác phẩm điêu khắc có thể ăn được
Torma là điêu khắc bằng bột và bơ. Loại hình nghệ thuật này ra đời vào thế kỷ XV từ các Phật tử Tây Tạng và Phật tử sống trên vùng núi Himalaya. Những sản phẩm điêu khắc bằng bột được chế tác với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng phần lớn từ nguyên liệu thiên nhiên, vì thế chúng có thể ăn được. Chúng được dâng cho các vị Phật và Bồ tát với mong muốn có được sự bình an, thịnh vượng và may mắn cho người dân và xã hội. Truyền thống này đã được truyền từ đời này sang đời khác.
Ngày nay, vào những dịp đặc biệt, hàng chục nhà sư phải mất hàng tháng mới có thể chế tác ra sản phẩm Torma đặc biệt để dâng lên Phật.
Bức Torma tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh mang thông điệp “Sự hài hòa của muôn loài”. Ở chính giữa bức điêu khắc là hình tượng Bồ tát ngồi thiền, xung quanh là những bông hoa nhiều màu sắc, bên dưới là một cái cây xum xuê hoa và trái với sự cộng sinh của bốn loài vật: Voi, khỉ, thỏ và chim. Sau khi tạo tác xong hình đồ Mandala, các nhà sư đã dành một ngày để hoàn thành bức Torma này.